(HNMO) - Tiếp tục kiểm soát hiệu quả tình hình dịch Covid-19, tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, khống chế không để dịch bùng phát lây lan rộng trên địa bàn thành phố… là tinh thần nêu trong Kế hoạch số 346/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch thành phố Hà Nội năm 2023.
Kế hoạch nêu rõ 14 nhóm mục tiêu cụ thể trong phòng, chống dịch. Trong đó: 100% UBND các cấp từ thành phố đến xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 sát với tình hình thực tế của địa phương; bố trí sẵn sàng lực lượng tại chỗ, lực lượng tăng cường theo các cấp độ dịch tại địa phương…
Cùng với đó, 100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát xử lý, cấp cứu điều trị các loại dịch bệnh, các lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng, chống dịch từ thành phố đến cơ sở được tập huấn để nắm vững kiến thức, kỹ năng về công tác phòng, chống dịch bệnh. 100% người mắc Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch được điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.
Thành phố cũng tổ chức giám sát phát hiện sớm, điều tra, xử lý kịp thời, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh mới nổi, tái nổi, dịch bệnh xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, văn hóa xã hội; theo dõi sự biến đổi của vi rút SARS-CoV-2 bảo đảm linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19, bảo đảm trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi, người trên 18 tuổi được tiêm các mũi cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn và phân bổ vắc xin của Bộ Y tế. Tiêm cho các nhóm đối tượng khác khi có chỉ đạo của Bộ Y tế. Giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên 1 triệu dân xuống mức thấp nhất theo chỉ tiêu của Bộ Y tế (thấp hơn mức trung bình của châu Á năm 2022).
Kế hoạch cũng nêu rõ, thành phố sẽ nâng cao năng lực phòng xét nghiệm các tuyến, tăng cường công tác xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh, bảo đảm tỷ lệ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm được xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp.
Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: Truyền thông, chia sẻ thông tin, tổ chức triển khai các hoạt động chủ động phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương. Bảo đảm đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.