Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng hình tượng Bác Hồ trên sân khấu: Cảm hứng và thách thức

An Nhi| 24/04/2022 06:14

(HNM) - Thời gian gần đây, tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm, dự án sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ được dàn dựng và công diễn. Với các nghệ sĩ sân khấu, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận, nhưng cũng đầy thách thức để xây dựng thành công. Song, họ vẫn mạnh dạn dấn thân, nhằm đem đến cách thức tiếp cận hấp dẫn với khán giả hôm nay, để mỗi người thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, từ đó học và làm theo Bác.

Các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên luôn nỗ lực thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu một cách sống động và gần gũi hơn. Trong ảnh: Một cảnh trong chương trình nghệ thuật “Tên Người sáng mãi” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Khai thác hình thức, khía cạnh mới

Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tác phẩm “Người cầm lái” - vở nhạc kịch đầu tiên về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt khán giả. Tác phẩm do Nhà hát Công an nhân dân thực hiện; biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh viết kịch bản và tổng đạo diễn. Với 3 hồi: “Quê hương”, “Tiếng vọng non sông”, “Chuyến tàu định mệnh”, vở nhạc kịch kể về cuộc đời của Bác, từ khi còn nhỏ ở cùng cha mẹ, trải qua mất mát khi mẹ qua đời, những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, rồi trở về chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm được dàn dựng với hình thức giao hưởng - đại hợp xướng, kết hợp sáng tạo những tinh hoa của sân khấu kịch hát dân tộc cùng ngôn ngữ múa dân gian đương đại đặc sắc. Đặc biệt, sân khấu được thiết kế nổi hình bản đồ Việt Nam kết hợp với hiệu ứng công nghệ, đem đến trải nghiệm nghệ thuật hấp dẫn cho khán giả. “Người cầm lái” tiếp tục phục vụ khán giả vào tối 17-5, nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2022).

Trước đó, đầu tháng 4, Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn chương trình nghệ thuật “Tên Người sáng mãi” tạo được ấn tượng sâu đậm với khán giả. Chương trình gồm 3 vở kịch ngắn: “Đoàn kết là sức mạnh” (tác giả Lê Trinh, đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Lâm Tùng), “Đôi mắt sáng” (tác giả Thiên Ân, đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Tạ Tuấn Minh), “Bác Hồ và mùa xuân năm ấy” (tác giả Lê Trinh, đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Bùi Phương Nga) kể những câu chuyện giản dị, nhưng đầy ý nghĩa về Bác, nhắc nhở mỗi người về những bài học mà Bác để lại. 

Sân khấu Lệ Ngọc cũng đang dốc sức sáng tạo vở kịch nói “Lá đơn thứ 72” (kịch bản Hoàng Thanh Du, Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ đạo diễn). Vở kịch khai thác hình tượng Bác Hồ ở góc độ Bác với người lao động, người yếu thế. Một cán bộ, đảng viên ở cơ sở bị xử oan sai đã liên tục viết đơn kêu oan, nhưng đến lá đơn thứ 72, Bác mới nhận được và yêu cầu các cấp giải quyết… Tác phẩm dự kiến ra mắt vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Bác.

Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đang hoàn thiện vở diễn “Nước non vạn dặm” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên đạo diễn để ra mắt vào dịp sinh nhật Bác sắp tới. Vở diễn cũng khai thác hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người với những lát cắt về tuổi thơ được ảnh hưởng từ cha mẹ. Theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, “Nước non vạn dặm” có sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương với những yếu tố âm nhạc, biểu diễn hình thể, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại để hướng tới đối tượng trẻ…

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Người cầm lái” do Nhà hát Công an nhân dân thực hiện.

Sáng tạo để học tập Người

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa kiệt xuất, Anh hùng giải phóng dân tộc, Lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân ta, nhưng Người vô cùng giản dị, gần gũi, quan tâm đến tất thảy mọi người. Có rất nhiều câu chuyện, khía cạnh về Bác để các nghệ sĩ khai thác, sáng tạo trên sân khấu, song để thể hiện thành công lại không hề đơn giản.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, tác giả kịch bản “Nước non vạn dặm” chia sẻ, Bác Hồ đã ở trong trái tim nhiều thế hệ. Đã có hàng chục tác phẩm sân khấu với những loại hình khác nhau thể hiện hình tượng Người. Vì vậy, tác phẩm mới phải khai thác ở những khía cạnh, những câu chuyện bình dị thật hấp dẫn, để từ đó toát lên sự vĩ đại của Người.

Đã từng hóa thân vào hình tượng Bác, nhưng Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ vẫn thấy áp lực khi đạo diễn vở “Lá đơn thứ 72”. Ông bày tỏ: “Tôi phải vận dụng kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề để dàn dựng vở diễn sao cho vẫn giữ được hình ảnh chân thật, thân thuộc về Bác, nhưng có nét mới trong ngôn ngữ thể hiện, nhằm thu hút khán giả, từ đó thôi thúc họ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người”.

Với tổng đạo diễn trẻ như biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh, khi nung nấu xây dựng tác phẩm nhạc kịch “Người cầm lái”, chị đã dành 4 năm theo học chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh để thấm sâu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Chị chọn thể hiện hình tượng Bác bằng hình thức nhạc kịch đang là xu hướng của sân khấu thế giới và Việt Nam, nhằm thu hút khán giả, nhất là người trẻ.

Vốn là ca sĩ, lần đầu tiên thể hiện hình tượng Bác, cũng là lần đầu biểu diễn nhạc kịch, thách thức nhân lên đối với Đại úy Lê Hồng Tuân (Nhà hát Công an nhân dân). “Tôi đã tìm đọc nhiều cuốn sách của Bác và sách viết về Bác, học hỏi cách hóa thân của những diễn viên đi trước và dành nhiều tháng để trau dồi nghệ thuật diễn xuất. Càng đọc, càng diễn, tôi càng hiểu sâu sắc về sự giản dị mà vĩ đại của Bác và thấy mình cần hoàn thiện hơn nữa để góp phần truyền tải tác phẩm về Bác cho thế hệ hôm nay”, Đại úy Lê Hồng Tuân chia sẻ.

Càng nhiều tác phẩm sân khấu mới về hình tượng Bác được xây dựng hấp dẫn, thế hệ hôm nay càng có thêm nhiều bài học quý giá để học và làm theo Người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hình tượng Bác Hồ trên sân khấu: Cảm hứng và thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.