(HNM) - Sở Giao thông - Vận tải vừa có văn bản trình UBND thành phố Hà Nội xin được đầu tư xây dựng hệ thống vé xe buýt tự động (vé điện tử) nhằm chuyên nghiệp hóa việc tổ chức bán vé, quản lý, điều hành loại hình giao thông công cộng bằng xe buýt. Chủ trương này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô...
Ông Trần Xuân Ngọc (Công ty cổ phần Quân đội Viettel): Sử dụng vé điện tử là việc làm cần thiết
Tôi đã từng có ít nhất bốn năm học đại học đi lại bằng xe buýt và hiện đã đi làm, nhưng thỉnh thoảng vẫn tham gia giao thông bằng phương tiện này. Với những kiến thức có được về vé điện tử, tôi cho rằng, hiện đại hóa hệ thống bán và kiểm soát vé cá nhân khi đi xe buýt là việc cần làm, phù hợp với quy luật phát triển. Thế nhưng, để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút người dân sử dụng phương tiện đi lại bằng xe buýt thì còn rất nhiều việc phải làm. Đó là chấn chỉnh thái độ phục vụ của lái xe, xử lý thật nghiêm những hành vi xâm phạm đến danh dự, sức khỏe, thậm chí là tính mạng của hành khách; giải quyết triệt để tình trạng bỏ bến; nâng cấp, thay thế những xe đã quá cũ nát, bổ sung thêm xe mới để từng bước giải quyết tình trạng quá tải; tạo đường thông, điểm dừng đỗ thoáng cho xe buýt đón trả khách...
Bà Khuất Vân Anh (phường Nam Đồng, quận Đống Đa): Vẫn cần có người kiểm soát
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy Sở Giao thông - Vận tải "thuyết phục" thành phố Hà Nội rằng, hình thức bán vé thủ công dễ gây thất thoát, vé in vừa tốn kém, vừa dễ bị làm giả, quay vòng, dễ phát sinh tiêu cực, không kiểm soát chính xác lượng khách, hệ thống phân phối bị hạn chế về thời gian, địa điểm, tốn kinh phí cho lực lượng nhân công phụ xe... và vé điện tử sẽ khắc phục được những hạn chế này. Song đấy mới chỉ là những thống kê hết sức đơn giản. Tôi đã tận mắt chứng kiến, do quá đông khách, phụ xe vẫn không thể kiểm soát được, nhiều hành khách không mua vé, sử dụng vé quá hạn và có hành khách trả tiền rách, đưa thiếu tiền... Vì vậy, cho dù sau này không có vé điện tử không được lên xe, nhưng nếu không có phụ xe nhắc nhở, những hành xử văn minh, lịch sự như nhường chỗ ngồi cho người già, phụ nữ có thai, lên xuống đúng cửa quy định... chắc chắn sẽ không được chấp hành nghiêm. Rồi tình trạng móc túi, tranh giành chỗ tốt khó được kiểm soát, càng gây tình trạng lộn xộn trên xe, lúc đó có một mình, lái xe kham sao nổi?
Ông Nguyễn Long Tuấn (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai): Cần có lộ trình phù hợp
Năm 2010, tôi có dịp vào thành phố Hồ Chí Minh và đã nhiều lần đi xe buýt bán vé điện tử trên tuyến đường Điện Biên Phủ, phường 11, quận 3. Vì xe bán vé tự động nên chỉ có mỗi tài xế và người này phải đáp ứng mọi yêu cầu của khách đi xe từ việc trả lại tiền thừa cho khách mua vé (không hiểu sao lúc đó máy bán vé tự động lại không tự động trả lại tiền thừa cho khách); bán vé, đón khách, trả khách, quản lý, kiểm soát tình hình trên xe, lái xe... Trong tình trạng giao thông hỗn loạn, quá tải như hiện nay thì những việc lái xe phải làm khi bán vé điện tử quả là quá nhiều, dẫn đến sự không tập trung lái xe, có thể gây ra hậu quả đáng tiếc. Theo tôi, chúng ta không nên vội vàng áp dụng bán vé điện tử trên mọi tuyến xe buýt mà cần thí điểm ở những tuyến ít quá tải, ít ùn tắc trước để xem xét, rút kinh nghiệm.
Ông Trần Hoàng Long (phường Phúc Đồng, quận Long Biên): Quan trọng là phải nâng cao chất lượng phương tiện
Theo tôi, trong điều kiện như hiện nay, việc nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng cần được quan tâm ở khía cạnh khác, hơn là việc đổi mới hệ thống vé. Ai cũng biết, hằng năm ngân sách thành phố vẫn phải chi hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt nhưng chất lượng dịch vụ của loại hình phương tiện này vẫn còn nhiều bất cập, chưa thể làm hài lòng "thượng đế". Cách đây không lâu, tôi thấy trên các phương tiện truyền thông có chuyển tải thông tin, Sở Giao thông - Vận tải đánh giá chất lượng xe buýt Hà Nội được 8 điểm. Là người thường xuyên tham gia giao thông bằng xe buýt, cá nhân tôi đánh giá, chất lượng phục vụ hành khách của loại phương tiện vận tải công cộng này chỉ được ở mức điểm 5. Phần lớn xe buýt ở Hà Nội đều là loại xe cũ, do vậy, không hiếm gặp những xe buýt nhả khói đen trên đường phố; đội ngũ lái xe buýt thì chạy ẩu, phanh gấp, lấn đường, khiến xe buýt được người dân mệnh danh là "hung thần trên đường phố"; nhân viên phục vụ trên xe hiếm khi có một cử chỉ, lời nói lịch sự với khách hàng, chuyện nở một nụ cười với khách càng trở nên hiếm hoi... Hà Nội đang nỗ lực tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông, nếu phương án hạn chế phương tiện cá nhân được áp dụng, vai trò của xe buýt càng trở nên quan trọng. Để xe buýt trở thành phương tiện công cộng chính của thành phố, tôi nghĩ việc đầu tiên cần làm là nâng cao chất lượng phương tiện và hình thức phục vụ khách hàng, chứ không phải là đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ để cải tiến hệ thống bán vé.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.