(HNM) - Trong không khí tưng bừng của ngày Quốc khánh 2-9 đang đến gần, nhiều người dân Thủ đô và du khách lại đến các di tích cách mạng kháng chiến (CMKC), nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm hiểu về lịch sử, tưởng nhớ công lao to lớn của Người với dân, với nước.
Đó là một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ và phát huy. Nó cũng đặt ra đòi hỏi phải đầu tư và quản lý tốt để các điểm đến văn hóa, lịch sử này thêm hấp dẫn.
Kho sử liệu trực quan
Theo thống kê của ngành văn hóa, Thủ đô mở rộng có 300 di tích CMKC, 292 di tích và điểm lưu niệm Bác Hồ. Nổi bật có thể kể đến di tích 48 Hàng Ngang. Ngôi nhà nằm giữa khu phố cổ Hà Nội này là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Người từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội tháng 8-1945. Tại đây, Người đã viết bản "Tuyên ngôn độc lập", đọc trước toàn thể quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày nay, di tích được chính quyền và nhân dân Thủ đô đầu tư hàng tỷ đồng tu bổ, tôn tạo, bảo quản nguyên trạng. Cùng với di tích 48 Hàng Ngang, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc (Hà Đông), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" ngày 19-12-1946. Trong căn phòng làm việc rộng chừng 12m2, chiếc giường gỗ dẻ quạt Bác đã nằm, chiếc gối gỗ sơn màu huyết dụ, chiếc bàn Bác làm việc, trang bản thảo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến"… vẫn còn đó. Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Xuân Dương (Thanh Oai) - nơi Bác về ở, làm việc trong 25 ngày (từ 19-12-1946 đến 13-1-1947), quyết định nhiều chủ trương, sách lược quan trọng để chỉ đạo công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi toàn quốc cũng đã được phục hồi, tu bổ, trở thành một trong những địa chỉ đỏ cách mạng phía Nam Thủ đô…
Khách tham quan Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai. Ảnh: Giang Sơn |
Ngoài ra, Hà Nội còn rất nhiều di tích CMKC gắn với những mốc son lịch sử một thời như: Nhà tù Hỏa Lò đang được đưa vào khai thác, hằng ngày đón nhiều lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Di tích 5D Hàm Long - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Nhà 90 Thợ Nhuộm - nơi đồng chí Trần Phú viết "Luận cương chính trị"…
Cũng như hệ thống bảo tàng, di tích CMKC và các điểm lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh là kho sử liệu có giá trị trực quan sinh động, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, nhất là khi cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đang được triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.
Phối hợp liên ngành để phát huy giá trị
Không khó để nhận ra, hệ thống di tích này thường rất đông người đến tham quan vào những dịp lễ trọng của dân tộc như: Ngày thành lập Đảng 3-2, Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, Sinh nhật Bác 19-5, Cách mạng Tháng Tám; Quốc khánh 2-9, song lượng khách thường xuyên thì chưa nhiều. Điều đó chứng tỏ người dân Thủ đô rất tự hào và mong muốn được tìm hiểu về truyền thống, về lịch sử ông cha nhưng vì thiếu cái "bắt tay" liên ngành nên các điểm di tích này chưa thể gắn kết với nhau để tạo thành một "hành trình lịch sử". Như ông Trần Văn Sỹ, người trông nom di tích kiêm hướng dẫn, thuyết minh tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Xuân Dương (Thanh Oai) chia sẻ: "Vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm, nhân dân và học sinh các trường học trong khu vực đến dâng hương, tham quan học tập, tìm hiểu đông đến mức không kịp thuyết minh, thiếu chỗ đón tiếp, nhưng ngày bình thường tôi hầu như… không có việc".
Thực tế này không khó lý giải bởi Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Xuân Dương tuy lưu giữ đầy đủ các hiện vật, hình ảnh, tư liệu, tài liệu về Bác trong những ngày Bác làm việc tại đây và trưng bày theo từng chuyên đề rất rõ ràng nhưng lại không có người hướng dẫn, thuyết minh chuyên nghiệp, chưa có máy chuyên dùng để chiếu phim tư liệu về Bác, hỗ trợ cho việc thuyết minh mỗi khi khách đến tham quan đông. Hay như di tích 48 Hàng Ngang nằm giữa phố cổ Hà Nội, đường nhỏ, phố đông, chỗ để ô tô không có, chỉ 1-2 lớp học đến tham quan cùng một lúc cũng không thể đáp ứng được. Nhà 90 Thợ Nhuộm thì đang được tận dụng làm trụ sở cơ quan của Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội. Xa hơn, những địa điểm như nơi đã diễn ra Hội nghị Trung Giã (Sóc Sơn) hay địa đạo Nam Hồng (Đông Anh) đều chưa hấp dẫn lớp trẻ…
Hệ thống di tích CMKC, điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thường là những công trình diện tích nhỏ, lại hòa nhập với các công trình kiến trúc khác, rất khó nhận biết. Vì vậy, ông Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng BQL di tích và danh thắng Hà Nội cho rằng: Để bảo tồn và phát huy hệ thống di tích này cho tương xứng với tầm ý nghĩa, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều phía. Thành phố thì tăng cường nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo để phục vụ công tác trưng bày; bố trí địa điểm làm việc mới cho các cơ quan, đơn vị đang "mượn" di tích; bố trí bãi trông giữ xe… Ngành văn hóa, trực tiếp là BQL di tích và danh thắng Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội - đơn vị quản lý phần lớn các di tích, điểm lưu niệm - một mặt cần phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về giá trị ý nghĩa, lịch sử của di tích; mặt khác cần quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng, thuyết minh. Khi nhân lực, vật lực đã sẵn sàng thì đưa hệ thống di tích này giới thiệu trong trường học, đưa lên bản đồ du lịch để thu hút nhiều khách đến tham quan, học tập. Tương lai xa hơn có thể gắn kết các điểm di tích thành "hành trình lịch sử" nhằm giáo dục truyền thống, lịch sử cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.