Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Hà Nội tiêu biểu về giáo dục, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước

Hà Phong| 04/10/2022 14:55

(HNMO) - Xây dựng Hà Nội thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế; bảo đảm văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô là mong muốn của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo “Đề xuất và đánh giá tác động của chính sách phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô”, do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4-10.

 Quang cảnh hội thảo.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn tham dự.

Nhiều rào cản

Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, thời gian qua, Hà Nội luôn xác định, coi trọng phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là trung tâm trong chính sách phát triển bền vững của Thủ đô. Giai đoạn 2016-2020, chi đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với thời kỳ trước. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO; có số lượng di tích đứng đầu cả nước, gồm 5.922 di tích các loại, trong đó có 5 di sản thế giới.

Song thực tế cũng cho thấy, việc bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, bề dày văn hóa lịch sử của Thủ đô. Một số di sản, giá trị văn hóa tinh thần người Hà Nội đang dần mai một. Nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn hẹp, chủ yếu từ ngân sách nhà nước, trong khi việc thu hút, huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội cho bảo vệ, phát triển văn hóa còn hạn chế.

Trong số 5.922 di tích, giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, tổng số di tích cần tu bổ, tôn tạo là 1.284 di tích, với tổng kinh phí cần sử dụng là 30.369 tỷ đồng, trong đó 55 dự án cấp thành phố cần 6.280 tỷ đồng, 1.229 dự án cấp huyện cần 24.089 tỷ đồng, nhưng kinh phí còn hạn chế.

Nếu những vấn đề bất cập kể trên không được khắc phục thì thành phố sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiều di sản văn hóa vật thể sẽ bị xuống cấp, hư hại, không được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo kịp thời. Đặc biệt, khó đạt được mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Thủ đô thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước.

Đối với lĩnh vực giáo dục, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Quang Tuấn cho hay, nhìn tổng thể, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo còn chậm được cải thiện, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội; việc chuyển đổi các cơ sở công lập có khả năng xã hội hóa sang mô hình tự chủ còn chậm. Việc thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội cho giáo dục, hợp tác, liên kết quốc tế về giáo dục - đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học gặp nhiều rào cản về thể chế.

Xây dựng Thủ đô mạnh về giáo dục, văn hóa

Tại hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia phân tích, Hà Nội nổi danh là “Thủ đô thiên nhiên”, thành phố đặc trưng của sông, hồ và cây xanh. Hà Nội cũng được mệnh danh là đô thị có làng trong phố, đô thị làng nghề và phố nghề nổi tiếng.

“Đã đến lúc chúng ta phải có cơ chế, chính sách đặc thù làm sống lại, thức tỉnh các chức năng, thế mạnh của sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và sông Nhuệ để tạo lập những cảnh quan sinh thái điển hình dọc theo đôi bờ các dòng sông lớn. Đầu tư nhiều hơn nữa cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng trên nền tảng “kinh tế nông nghiệp” ở các vùng quê ngoại ô. Đặc biệt là tạo lập các không gian sáng tạo cho phát triển văn hóa”, PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Việt Nam nêu quan điểm, cần tạo ra “Quỹ bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô” giúp các cơ quan chức năng chủ động hơn trong công tác triển khai các phần việc mang tính cấp thiết, cũng như chủ động hơn về nguồn lực, không bị phụ thuộc quá nhiều vào kế hoạch ngân sách nhà nước hằng năm để mất đi những thời cơ tốt trong bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô.

Trong lĩnh vực giáo dục, Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Tạ Ngọc Trí đề nghị Hà Nội cử học sinh tài năng đi học tập, đào tạo ở các cơ sở giáo dục - đào tạo có uy tín của quốc tế, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao quay về phục vụ sự nghiệp phát triển Thủ đô. Đây là bước đệm chuẩn bị từ sớm nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia đầu ngành cho nhu cầu phát triển Thủ đô, nhất là một số lĩnh vực mà Việt Nam có thể chưa đào tạo được.

Ở góc nhìn khác, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, thời gian qua, việc thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội cho giáo dục, hợp tác, liên kết quốc tế về giáo dục - đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học gặp nhiều rào cản. Thành phố cần được quy định hình thức ưu đãi phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học, bậc học. Song song đó, điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.

Về phía cơ sở giáo dục công lập, phải được quyền thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở nước ngoài khi đủ điều kiện. Theo hướng này sẽ nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện; xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục - đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế...

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, trong số các chính sách đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chính sách về phát triển văn hóa, giáo dục của Thủ đô đóng vai trò hết sức quan trọng.

Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị thành phố bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm để chi đầu tư cho văn hóa, kết hợp với huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Ưu tiên đầu tư nghiên cứu, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn Thủ đô. Khuyến khích sáng tạo, phát triển giá trị văn hóa tinh thần mới dựa trên di sản; bảo đảm hài hoà với phát triển kinh tế, giáo dục, du lịch văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Hà Nội tiêu biểu về giáo dục, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.