Tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã thảo luận về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là một nội dung đang được dư luận rất quan tâm.
Thực trạng đội ngũ trí thức hiện nay
Hơn 93 năm qua, kể từ khi có Đảng lãnh đạo, đội ngũ trí thức Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực, từ văn hóa - văn nghệ, y tế, báo chí - xuất bản, đến ngoại giao - hội nhập quốc tế, an ninh - quốc phòng.... Đội ngũ trí thức đóng góp công sức, trí tuệ vào tham mưu hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển; tư vấn, phản biện xã hội; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, giáo dục và đào tạo...
Tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã làm việc tại tổ thảo luận về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 15 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 27-NQ/TƯ được ban hành, đội ngũ trí thức đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, có nhiều đóng góp vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh những kết quả, mục tiêu cơ bản đạt được, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ở Việt Nam giai đoạn vừa qua vẫn bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Đội ngũ trí thức nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức còn chậm; trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành và các chức danh tương đương còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận có dấu hiệu hụt hẫng; chưa có nhiều tập thể khoa học, giáo dục và đào tạo, văn hóa, kinh tế mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế.
Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức chậm đổi mới; công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đồng bộ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TƯ chưa được thực hiện triệt để. Nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đến việc thúc đẩy xây dựng, trọng dụng đội ngũ trí thức trong địa bàn, lĩnh vực được giao...
Các hạn chế nêu trên khiến những đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của con người Việt Nam, giá trị Việt Nam.
Khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức
Để bắt kịp với sự phát triển của thế giới và phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước, trước hết là góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, việc đề ra những quyết sách mang tầm chiến lược trong xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức càng trở nên cấp thiết.
Tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu đều có chung quan điểm là phải xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực của trí thức trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, xác định việc tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, huy động các nguồn lực xã hội; tôn trọng, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; có cơ chế, chính sách đặc biệt trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành, tạo môi trường, điều kiện và động lực căn bản để phát triển và phát huy đội ngũ trí thức.
Trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ, đội ngũ trí thức Việt Nam tăng nhanh về số lượng đã đóng góp trực tiếp vào việc nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để thúc đẩy tính sáng tạo của họ trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vẫn cần những cơ chế, chính sách đòn bẩy...
Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh với số lượng gắn với chất lượng, có cơ cấu hợp lý, tham gia trực tiếp và khẳng định vai trò đối với thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững, chủ yếu dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030; hoàn thiện và đẩy mạnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TƯ nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, đóng góp của đội ngũ trí thức, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh giai đoạn 2021-2030. Dự thảo Chiến lược đang trong giai đoạn xin ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm đoàn kết, tập hợp, phát huy đội ngũ trí thức, chắc chắn rằng đội ngũ trí thức Việt Nam sẽ “ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới” như văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam Nguyễn Quân:
Để đội ngũ trí thức yên tâm cống hiếnCuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số đang làm thay đổi sâu sắc nền sản xuất và kinh tế toàn cầu theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn với tốc độ phát triển nhanh chưa từng có. Quá trình toàn cầu hóa trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nước lớn và xung đột quân sự ở nhiều vùng/quốc gia trên thế giới tạo nên sự bất ổn nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, việc đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ vào thời điểm này có ý nghĩa thực tiễn và có tính thời sự.
Hiện nay có 3 vấn đề cần lưu ý. Nếu được tháo gỡ, trí thức sẽ yên tâm cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Thứ nhất, lãnh đạo phải tin tưởng vào đội ngũ trí thức, phải thực sự lắng nghe và giao việc. Hiện nay, các địa phương, bộ, ngành cũng có những chính sách “trải thảm đỏ” mời trí thức về nhưng thực tế họ không được giao việc, vẫn có tình trạng chưa sẵn sàng giao việc. Thứ hai, phải tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho trí thức, từ phòng thí nghiệm, hội nhập quốc tế, tập hợp những người cùng chí hướng, cùng trình độ làm thành những nhóm nghiên cứu mạnh. Cuối cùng là chế độ thu nhập. Cần có chế độ thu nhập thỏa đáng để trí thức yên tâm làm việc, cống hiến trí tuệ của mình xây dựng đất nước.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao:
Tạo môi trường thuận lợi cho trí thứcHà Nội là nơi tập trung hơn 70% tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước. Còn số nhà khoa học đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước. Thời gian qua, Hà Nội đã tranh thủ các nguồn lực, trí tuệ của đội ngũ trí thức tham gia xây dựng Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước, Thủ đô, sự đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của con người Việt Nam.
Để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, thành phố cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức phát huy chất xám của họ, đồng thời thu hút sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế cùng vào cuộc, đồng hành vì sự phát triển Thủ đô.
Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An:
Cần xây dựng chương trình hành động cụ thểHiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức còn thiếu, chưa đồng bộ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ và thu hút nhân tài của Việt Nam còn thiếu đột phá và bất cập. Một số nơi chưa tạo điều kiện, coi trọng đội ngũ trí thức, tạo môi trường làm việc bình đẳng. Chưa kể nhiều trí thức đã nghỉ chế độ, có chất xám mà không được tận dụng. Đó là một sự lãng phí rất lớn.
Thiết nghĩ, Trung ương cần làm rõ những nguyên nhân, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức. Từ đó ban hành Nghị quyết mới, đề ra những giải pháp quyết liệt và khả thi để khắc phục các yếu kém, bất cập; xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới với những chương trình cụ thể trong từng giai đoạn, phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng địa phương. Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình hành động cụ thể về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ trí thức. Có như vậy mới tận dụng được chất xám và nguồn lực có chất lượng cao.
Thu Hằng ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.