Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng đề thi: Hướng đến sự công bằng, nhẹ nhàng cho thí sinh

Ngân Hạ| 24/06/2017 19:27

(HNMO) - Mức khó dễ giữa các mã đề của mỗi môn thi trắc nghiệm khách quan và độ tin cậy của kỳ thi THPT Quốc gia 2017 là hai vấn đề được báo giới đặt ra cho lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tại cuộc họp báo chiều nay (24-6).



Khó trao đổi để được "10 điểm môn Lý mà 0 điểm môn Toán"

Ông Sái Công Hồng, Trưởng Ban đề thi.


Kết thúc kỳ thi, một số giáo viên nêu ý kiến về việc đảo thứ tự câu hỏi dẫn đến việc có mã đề câu khó nằm ở phần đầu, câu dễ nằm cuối, có mã đề thì ngược lại. Những thí sinh gặp mã đề có câu khó ngay từ đầu sẽ mất thời gian làm bài và mất bình tĩnh.

Giải thích về điều này, ông Sái Công Hồng, Cục phó Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Trưởng Ban đề thi cho biết, khi xây dựng đề thi chuẩn hóa, tất cả đề thi được thử nghiệm với chính các em học sinh lớp 12. Quá trình thử nghiệm trải qua 2 bước, gồm thử nghiệm chuẩn hoá cân bằng độ khó của mỗi đề thi và giữa các mã đề.

Cụ thể, Bộ chọn mẫu 5 tỉnh với 20.000 học sinh lớp 12 để thí nghiệm chuẩn hóa cân bằng độ khó giữa các đề thi. Với các đề thi trắc nghiệm khách quan, xuất phát từ 4 đề gốc sẽ có 24 mã đề khác nhau.

"Việc đảo câu hỏi được thực hiện theo khối. Mỗi đề thi được phân làm 4 cấp độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) và chỉ đảo trong khối nên không có chuyện đảo lung tung từ câu 1 xuống câu 40. Cấp độ 4 nằm ở phía cuối đề thi", ông Hồng khẳng định.

Trưởng Ban đề thi cũng cho biết, nói về độ khó - dễ của mỗi đề thi mà chỉ so sánh giữa một câu này với một câu kia là khập khiễng. Phải làm toàn bộ đề thi mới biết độ khó như thế nào. Ngoài ra, chỉ khi phân tích điểm trung bình thì mới chứng minh được độ khó của mã đề thi này sai lệch ra sao...

"Việc ra đề thi những năm sau vẫn hướng đến mục đích công bằng, nhẹ nhàng hơn cho các em. Ban đề thi được Bộ trưởng chỉ đạo cố gắng ra đề tương đương để các em không gian lận. Với 24 mã đề, thời gian làm bài ngắn như vậy, các em khó trao đổi với nhau để có chuyện được "10 điểm môn Lý mà 0 điểm môn Toán"", ông Hồng khẳng định.

Về đính chính ở 7 mã đề môn Vật lý, ông Sái Công Hồng lý giải, các thành viên Ban đề thi chỉ có 8 ngày để chuyển đề chính thức đi, sau đó rà soát đề chính thức và làm đề dự bị. Trong quá trình rà soát đã phát hiện có lỗi ký tự ở 7 mã đề. Phần đính chính không phải đọc hay viết lên bảng tại phòng thi mà được gắn vào đề thi cho các thí sinh.

Có cơ sở để bảo đảm độ tin cậy của Kỳ thi

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 là lần đầu tiên các sở GD-ĐT được giao nhiệm vụ chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu tổ chức kỳ thi. Dù Bộ GD-ĐT đã khẳng định, Kỳ thi diễn ra nghiêm túc nhưng nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn liệu đó có phải là sự nghiêm túc nhìn từ ngoài vào, trong khi bên trong các phòng thi vẫn là một... ẩn số.

Ông Mai Văn Trinh.


Thông tin về nội dung này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục cho biết, các sở GD-ĐT đã có nhiều năm chủ trì tổ chức thi nên Bộ giao quyền tổ chức là có cơ sở bảo đảm độ tin cậy. Ngoài ra, để hỗ trợ cho địa phương, Bộ đã điều động cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, trường CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên về các địa phương tham gia coi thi. Mỗi phòng thi đều có 1 cán bộ, giảng viên trường ĐH, CĐ coi thi cùng với một giáo viên THPT hoặc GDTX tại địa phương.

"Trật tự của các điểm thi an toàn, không có lộn xộn. Việc tổ chức các bài thi trắc nghiệm đã triệt tiêu động lực của các em trong tiêu cực. Các em muốn mang tài liệu vào thì chỉ có thể mang cả sách vào và thời gian ngắn cũng không có đủ thời gian cho các em quay cóp. Việc sử dụng công nghệ cao để gian lận không phải là mới mà các năm trước đã có. Lực lượng công an đã phối hợp hướng dẫn cán bộ trong việc cảnh giác, phát hiện các thiết bị gian lận. Ngoài ra, việc bố trí 24 học sinh trong một phòng thi có 2 giám thị, nếu giám thị làm hết trọng trách thì hoàn toàn có thể nắm bắt được những biểu hiện bất thường của thí sinh", ông Trinh cho biết.

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin thêm, qua đợt kiểm tra mà ông trực tiếp đi cùng đoàn của Bộ, có thể đánh giá đây là kỳ thi yên ả.

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.


Về độ tin cậy của kỳ thi, ngoài giải pháp kỹ thuật là đề thi trắc nghiệm với nhiều mã khác nhau thì còn có cán bộ ĐH giám sát. Các cán bộ coi thi đều phản ánh kỳ thi diễn ra nghiêm túc, ít có hiện tượng thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Việc thí sinh bị kỷ luật ít đã phản ánh đúng thực tế.

Ông Hoàng Minh Sơn cũng khẳng định, hoàn toàn có thể yên tâm về độ tin cậy của kỳ thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đề thi: Hướng đến sự công bằng, nhẹ nhàng cho thí sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.