Sáng 30/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự Hội nghị cấp Bộ trưởng các bên liên quan thực hiện Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp lần thứ 2 (COP2).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong vòng 10 năm gần đây, số người chết và mất tích hàng năm do thiên tai ở Việt Nam lên tới khoảng 300 người. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra cũng không ngừng tăng lên và chiếm tới 1,5% GDP. Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, đồng thời ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng như Luật Tài nguyên nước, Luật Phòng chống thiên tai... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia tích cực các diễn đàn quốc tế và khu vực về quản lý thảm họa thiên tai, thực hiện khung hành động Hi-ô-gô về giảm nhẹ rủi ro do thảm họa gây ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thư ký ASEAN với các Trưởng đoàn tham dự hội nghị. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, ở cấp độ khu vực, quản lý thảm họa thiên tai luôn là ưu tiên cao của ASEAN cũng như trong hợp tác giữa ASEAN với các Đối tác. Việc thông qua Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (AADMER) đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho các nỗ lực tăng cường hợp tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong khu vực. Thủ tướng bày tỏ vui mừng ASEAN đã đạt được những tiến triển đáng khích lệ trong triển khai giai đoạn một của Chương trình (giai đoạn 2010-2012). Nhiều hoạt động quan trọng đã được triển khai trên cả 4 hợp phần chiến lược, đó là Đánh giá, giám sát rủi ro, cảnh báo sớm; Phòng ngừa và giảm nhẹ; Ứng phó thiên tai và Phục hồi sau thiên tai. Hợp tác về quản lý thiên tai thảm họa giữa ASEAN và các Đối tác cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, với nhiều dự án cụ thể thông qua sự hỗ trợ của các Đối tác như Nhật Bản, Úc, Niu Di-lân, Mỹ, EU…
Nhấn mạnh COP2 là dịp để đánh giá những kết quả đạt được trong giai đoạn 1 của Hiệp định và xác định phương hướng thực hiện giai đoạn 2 (từ năm 2013 - 2015), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội nghị cần tập trung vào một số vấn đề chính, nhất là tăng cường quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý thiên tai thảm họa của ASEAN với các kênh liên quan khác như ADMM, ARF… Theo đó, việc khôi phục Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai thảm hoạ (AMMDM) sẽ có thể là bước đi thiết thực; ASEAN cần chủ động hơn nữa đến công tác huy động nguồn lực để thực hiện các dự án cụ thể và thực chất. Đặc biệt phải cụ thể hoá các thỏa thuận và cam kết hợp tác quản lý thiên tai thảm họa cấp khu vực của ASEAN vào chương trình phát triển quốc gia của mỗi nước thành viên, trong đó cần ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, nâng cao nhận thức cộng đồng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đầu tư nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai.
Với cam kết chính trị cao của các quốc gia thành viên, với nỗ lực chung của toàn khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng ASEAN sẽ đạt được mục tiêu xây dựng Cộng đồng có khả năng ứng phó cao và an toàn trước thiên tai.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: Với những tác động của khí hậu, thiên tai có xu hướng bất thường, khó dự báo hơn và cực đoan hơn đang làm xáo trộn cuộc sống của người dân, đặc biệt là vùng nông thôn ở mỗi quốc gia ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, đòi hỏi các nước trong khu vực ASEAN phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn trong công cuộc ứng phó với thảm họa thiên tai.
Những năm gần đây, thiên tai xảy ra đa dạng hơn, không theo quy luật, khó dự báo với cường độ và phạm vi ngày càng lớn, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn thường xuyên hơn; động đất và sóng thần với sức tàn phá vô cùng lớn đã xuất hiện trong khu vực. Nhiều quốc gia trước kia rất ít khi xảy ra thiên tai thì nay cũng phải gánh chịu các hậu quả lớn do thiên tai gây ra./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.