(HNM) - Thủ đô Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và là thị trường tiêu thụ hàng hóa với mạng lưới phân phối đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn Thủ đô và liên kết, hợp tác với các tỉnh không những giúp thành phố đáp ứng nguồn cung lương thực, thực phẩm cho hơn 10 triệu dân mà còn khẳng định vai trò “đầu tàu” trong mở rộng, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ một cách bền vững.
Hợp tác, xây dựng 786 chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản
Tại huyện Ứng Hòa, Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh nông nghiệp Đoàn kết ở xã Phương Tú đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo Khu Cháy. Hợp tác xã này liên kết với các hợp tác xã trong và ngoài huyện tổ chức sản xuất trên quy mô gần 300ha lúa Japonica; liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới đại lý lúa gạo tại các tỉnh, như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy thông tin, trung bình mỗi vụ, hợp tác xã tiêu thụ khoảng 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica trên địa bàn huyện với giá thành ổn định nên nông dân rất phấn khởi.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí thông tin, đến nay, thành phố đã xây dựng và duy trì được 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, 53 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 106 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi có sản phẩm đa dạng, được kiểm soát chặt chẽ và phân phối tới hơn 110 siêu thị, hơn 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cơ sở chuyên kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp...
Theo đánh giá của Sở NN& PTNT Hà Nội, hiện nay, sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 2,3% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố. Sản phẩm nông nghiệp làm ra mới đáp ứng 30-65% nhu cầu hơn 10 triệu người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Cụ thể: Với sản phẩm gạo, Hà Nội mới đáp ứng được 65,6%; thịt lợn hơi 94,1%, trái cây 28,8%; trứng gia cầm 94,2%... Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố trên cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm, những năm qua, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội triển khai Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020 và Chương trình phối hợp về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025, trong đó trọng tâm là các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Từ việc triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố, Hà Nội và các tỉnh, thành phố liên kết đã xây dựng được 786 chuỗi (chiếm 48% tổng số chuỗi trên cả nước) với 670 điểm bán hàng. Hiện các chuỗi này đang được vận hành hiệu quả, bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.
“Đầu tàu” trong thúc đẩy chuỗi liên kết
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Sở NN& PTNT đã tham mưu thành phố tổ chức cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức liên kết, hợp tác, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng với các địa phương trong cả nước; đồng thời nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp thông qua các khâu chế biến, lưu thông, kênh phân phối... Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, giúp người dân Thủ đô tiếp cận với nhiều đặc sản vùng miền, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tổng hợp đầu mối sản phẩm nông nghiệp từ các nơi đăng ký chuyển về Hà Nội phục vụ khai thác hàng hóa hiệu quả và bảo đảm nguồn cung cho Thủ đô...
Ngoài ra, các đơn vị của Sở NN&PTNT còn tăng cường hoạt động hợp tác với các tỉnh, thành phố, như: “Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn” với các tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên và Sơn La; ký kết thỏa thuận phối hợp với 24 tỉnh, thành phố (từ Nghệ An trở ra) hợp tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; phối hợp với 28 tỉnh, thành phố triển khai hoạt động đánh giá, chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, thành phố cũng phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong công tác quản lý, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại Hà Nội và từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ...
Thời gian tới, thành phố tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với các tỉnh, thành phố, từng bước cụ thể hóa chủ trương “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội” nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm cho người dân Thủ đô và khẳng định vai trò “đầu tàu” của cả nước trong xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.