(HNM) - Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên được nâng cao, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với xã hội, là nguyên nhân có tính quyết định phát triển đất nước với cơ đồ, tiềm lực ngày càng lớn mạnh.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu
Theo dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 5 năm qua, công tác xây dựng Đảng về chính trị được đặc biệt chú trọng; kiên định những nguyên tắc trong đường lối đổi mới và trong công tác xây dựng Đảng. Bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”...
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho rằng, công tác xây dựng Đảng về tổ chức được thực hiện với quyết tâm chính trị cao, tập trung kiện toàn, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực, rõ nét. Mặc dù giảm hàng nghìn đầu mối, đơn vị hành chính, thôn, tổ dân phố và hàng vạn cán bộ, biên chế, nhưng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng được nâng cao, lãnh đạo đất nước vững vàng trước tác động mọi mặt của đại dịch Covid-19.
Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm hơn và có chuyển biến tích cực. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều sáng kiến, sáng tạo. Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Đảng gắn với giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự ở cơ sở; qua đó vừa kịp thời củng cố 226 tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, vừa chủ động phòng ngừa phát sinh “điểm nóng” trên địa bàn.
Công tác cán bộ được đổi mới mạnh mẽ, đạt một số kết quả quan trọng. Việc chống chạy chức, chạy quyền được coi trọng, có chuyển biến. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm hơn. Trung ương Đảng đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên; trong đó có hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. “Đây là kết quả chưa từng có, bồi đắp niềm tin sâu sắc của nhân dân đối với Đảng”, ông Phan Văn Hậu (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) nói.
Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp đã nâng cao nhận thức về đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là dân vận chính quyền gắn với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Cùng với đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan Đảng từ Trung ương tới cơ sở có tiến bộ, đã coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu...
Nhiệm vụ trọng tâm số một trong nhiệm kỳ mới
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện một số nghị quyết còn chậm, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng còn thấp...
Bước vào giai đoạn mới, trong mục tiêu tổng quát, Trung ương Đảng xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...”. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn mới được Trung ương Đảng báo cáo tại Đại hội XIII, nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh giữ vị trí số một.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng, đi đôi với xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Với tinh thần đó, Trung ương đã định hình 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng...
Đáng chú ý, Trung ương Đảng đề xuất phải xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cá nhân có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Ngoài ra, cấp ủy phải tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là công việc không có nhiệm kỳ. Với quyết tâm chính trị vì sự trường tồn của Đảng, sự hỗ trợ của nhân dân, việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này chắc chắn sẽ có những tiến bộ mới trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.