(HNMO) - Sáng 24-7, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của Văn phòng Trung ương Đảng, các ban Đảng Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố chủ trì hội nghị.
Tới dự có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng các ban Đảng Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương...
Đại biểu thành phố Hà Nội có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng Tiểu ban - Trưởng ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Gấp rút hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội dự kiến tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố vào cuối tháng 10-2020. Dự kiến, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ báo cáo Bộ Chính trị về công tác tổ chức đại hội bao gồm văn kiện và phương án nhân sự vào tháng 9-2020. Hiện nay, thành phố đang gấp rút hoàn thành việc lấy ý kiến và hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Dự thảo Báo cáo chính trị đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị này là phiên bản thứ tư, đã được thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố hai lần, trải qua hàng chục lần dự thảo. Đây là kết quả làm việc rất nghiêm túc của Tiểu ban Văn kiện và sự góp ý tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, nguyên cán bộ và nhân dân.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hiện diện của lãnh đạo các cơ quan trung ương, đồng chí Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu đóng góp thật nhiều ý kiến sâu sắc, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, giúp cho thành phố xây dựng được chiến lược phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô, trái tim của cả nước.
Trình bày đề dẫn lấy ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Tổ trưởng Tổ Thư ký - Giúp việc Ban Biên tập Văn kiện nêu rõ những vấn đề, nội dung chủ yếu xin ý kiến các đại biểu như chủ đề, phương châm đại hội; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 và các bài học kinh nghiệm; phương hướng, mục tiêu, các nhóm chỉ tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Dự thảo Báo cáo chính trị thể hiện khát vọng của Thủ đô
Là người đầu tiên phát biểu góp ý, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội được xây dựng rất công phu, thực sự là kết tinh trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học. Bản dự thảo cũng cho thấy tầm vóc của Thủ đô, nhất là qua đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố. Đánh giá cao 5 bài học kinh nghiệm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng rất thuyết phục. Đây là điểm sáng của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị đã cho thấy khát vọng của Thủ đô; nếu làm được sẽ tạo sự phát triển bứt phá cho Thủ đô trong 5 đến 10 năm tới. Trong khi cả nước đặt ra mục tiêu đến năm 2025 mới vượt mức thu nhập trung bình thấp, Hà Nội xác định mục tiêu đạt tiệm cận mức thu nhập trung bình cao là quyết tâm rất lớn.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Dự thảo Báo cáo chính trị còn dài; nên giảm số liệu cụ thể để tập trung vào việc thể hiện những quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn và cần viết kỹ hơn, cụ thể hơn những định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh cũng khẳng định, Dự thảo Báo cáo chính trị rất chất lượng, nội dung sâu sắc, toàn diện và mang đặc trưng riêng của Hà Nội. Các ý tứ nêu ra đều rõ về nội hàm, phản ánh chính xác, trung thực bức tranh cuộc sống của Thủ đô.
Góp ý cụ thể vào nhiều nội dung nhằm phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đề nghị làm sâu sắc hơn nữa các giải pháp nhằm xây dựng thành phố trở thành mô hình kinh tế mẫu mực của cả nước. Trong đó, không chỉ tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư, Hà Nội phải có giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách để xây dựng cho được đội ngũ doanh nghiệp đẳng cấp quốc tế.
Đánh giá cao chất lượng kết cấu và nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị của Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường cho rằng, về phương hướng, tầm nhìn, Hà Nội nên bổ sung thêm các nội dung nhằm phát triển giao thông ở khu vực phía Nam thành phố, trong đó có thể tính đến cả việc xây dựng thêm một sân bay quốc tế, từ đó tạo ra sự phát triển đồng đều cho Thủ đô và củng cố, hình thành các tam giác kinh tế là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Hà Nội - Thanh Hóa - Hà Tĩnh.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang nhận định, Dự thảo Báo cáo chính trị đã được chuẩn bị đúng hướng dẫn của Trung ương; quá trình soạn thảo công phu, khoa học; nhìn tổng thể đã bảo đảm được yêu cầu về bố cục, phương châm, chủ đề, nêu được kết quả quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, xác định rõ được mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong giai đoạn mới. Đặc biệt, Dự thảo đã khẳng định được vị thế trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, phản ánh được tầm vóc mới, tầm cao mới trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững, do đó thể hiện được tính hiệu triệu và tính hành động của văn kiện đại hội. Góp ý cụ thể vào các nội dung, đồng chí Bùi Trường Giang đề nghị nên thay từ “giàu đẹp” bằng từ “giàu mạnh” trong chủ đề đại hội, vì từ “văn minh” đã bao gồm ý của từ “đẹp”, trong khi từ giàu mạnh mang nội hàm có sức nặng lớn hơn.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Huy Tăng góp ý thêm một số nội dung về định vị Thủ đô Hà Nội trong những năm tới. Trong đó, đồng chí cho rằng, đã đến lúc thành phố tính toán để gắn đổi mới mô hình tăng trưởng với việc xây dựng những thương hiệu ở tầm cao hơn. Về nhiệm vụ đối ngoại trong nhiệm kỳ mới, đồng chí đề nghị, Hà Nội nên nhấn mạnh thêm việc triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại ở tất cả các cấp, các ngành; quan tâm tăng cường nguồn lực cho công tác đối ngoại và không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đáp ứng yêu cầu hội nhập trong giai đoạn mới.
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh cho rằng, 5 bài học kinh nghiệm nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị rất sâu sắc, có tầm lý luận; nhưng nên sắp xếp lại cho đúng trọng tâm theo hướng đặt tên được cho mỗi bài học. Đồng chí cũng nhất trí cao với 5 nhiệm vụ chủ yếu, nhưng góp ý nên viết trực diện hơn, không cần giải thích. Cũng theo đồng chí, trong các khâu đột phá, Hà Nội nên nghiên cứu để xác định thêm khâu đột phá là khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên và quyết tâm đổi mới trong cán bộ và nhân dân Thủ đô trong giai đoạn mới.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, Hà Nội nên bổ sung các chỉ tiêu phát triển đúng theo “phom” của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng cho bảo đảm tính thống nhất. Ngoài ra, thành phố nên hoàn thiện thêm phần nhiệm vụ - giải pháp theo hướng xác định rõ điểm nhấn và đâu là động lực tăng trưởng và phát triển của thành phố trong 5 năm tới. Đồng chí đặt vấn đề: “Phải chăng Hà Nội nên lấy kinh tế tư nhân làm động lực trong giai đoạn tới?”.
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thạo đề nghị cần làm kỹ hơn phần dự báo tình hình, nhất là đánh giá chính xác những khó khăn, thách thức đặt ra trong 5 năm tới. Dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn trên thế giới đang ngày càng gay gắt, trong khi dự báo tình hình trong Dự thảo Báo cáo chính trị chưa phản ánh hết.
Với yêu cầu làm sâu sắc hơn những sắc thái riêng của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Nguyễn Văn Thạo đề nghị tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc còn tồn đọng; Hà Nội vẫn nên tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, không nên giảm quá nhanh tỷ lệ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế; đồng thời tập trung phát triển dịch vụ chất lượng cao, nhất là dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Tiểu ban Văn kiện sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc và với tinh thần cầu thị cao nhất từng ý kiến phát biểu trực tiếp và bằng văn bản của các đại biểu, trên cơ sở đó sẽ bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị theo hướng trau chuốt hơn; cân đối hơn giữa phần đánh giá và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp. Tất cả để xây dựng bản Báo cáo chính trị chính thức trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 có chất lượng cao nhất, làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo phát triển Thủ đô xứng đáng với sự mong đợi của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.