Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng chiến lược phát triển bền vững Thủ đô

Hiền Lương| 17/08/2015 06:12

(HNM) - Đã có hàng chục tham luận của các nhà khoa học gửi đến hội thảo khoa học

Ảnh: Anh Tuấn


GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển: Bài học quý giá về tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội không chỉ có ý nghĩa và tầm vóc lớn lao mà còn để lại nhiều bài học quý, có giá trị thực tiễn cao đối với công cuộc xây dựng và phát triển bền vững Thủ đô ngày nay. Bài học thứ nhất được rút ra từ lịch sử vận động Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội là bài học về tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm cao trong công tác lãnh đạo của Đảng. Ở thời khắc quyết định nhất, nếu Thành ủy Hà Nội và Xứ ủy Bắc kỳ không chủ động chớp thời cơ, đi tới quyết định Tổng khởi nghĩa, thì rất có thể cách mạng sẽ gặp khó khăn không chỉ ở Hà Nội mà trên phạm vi toàn quốc. Ở thời khắc quyết liệt nhất, nếu Thành ủy và Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội không dũng cảm, táo bạo và khôn khéo tìm ra phương thức khởi nghĩa phù hợp, nhất là tổ chức thành công cuộc đấu tranh ngoại giao, trung lập và vô hiệu hóa được hơn một vạn quân Nhật, thì chắc chắn cách mạng rất khó thành công hoặc nếu có thành công thì tổn thất cũng sẽ rất lớn. Qua đó, có thể thấy rằng để lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng ở nơi trọng yếu hàng đầu của đất nước, Đảng bộ Hà Nội, nhất là đội ngũ lãnh đạo, không những phải có đủ tài năng, phẩm chất, tầm nhìn mà còn phải có đủ bản lĩnh của người cầm quân: Chủ động, năng động, táo bạo, quyết đoán mà không rơi vào chủ quan, phiêu lưu; cẩn trọng, bài bản, nguyên tắc nhưng không trở nên do dự, thụ động, đánh mất thời cơ thuận lợi.

PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội: Liên kết vùng phải là một động lực phát triển

Ngày 20-11-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1758/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng (QHXD) vùng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 10 đơn vị hành chính láng giềng, trên cơ sở vùng Thủ đô cũ, bổ sung thêm ba tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ và Bắc Giang. Sau hơn 3 năm nghiên cứu quy hoạch, đồ án quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô sắp được trình duyệt, nhưng xem ra kết quả vẫn “khiêm tốn”, một phần do năng lực tổ chức thực hiện, phần khác là do phương pháp tiếp cận thiếu tính tổng hợp liên ngành và cuối cùng là sự liên kết rất hình thức và rất lỏng lẻo giữa các thành viên của vùng. Vai trò của vùng Thủ đô là rất quan trọng, trong đó các mối liên kết hằng ngày giữa đô thị hạt nhân với các bộ phận lãnh thổ cấu thành cần phải nằm trong giới hạn tiêu chuẩn tối ưu khoảng 30-60’ đi lại. Do đó, việc phát triển hệ thống đường cao tốc và đường sắt liên điểm dân cư trong vùng giữ vai trò rất quan trọng. Với mục đích, yêu cầu trên, có lẽ cần xem lại ranh giới vùng Thủ đô hiện nay vì quá lớn, khi bổ sung một số tỉnh miền núi chỉ có tính láng giềng vào vùng Thủ đô còn cường độ các quan hệ hằng ngày thì lại rất hạn chế. Nên chăng bổ sung thêm TP Hải Phòng, để tạo ra vùng Thủ đô hướng biển, có điều kiện phát triển tốt hơn trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập?

Vùng Thủ đô cho phép điều hòa sự phân bố dân cư, bố trí các khu cụm công nghiệp, các cơ sở dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng, các trung tâm chuyên ngành, mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp, trực tiếp làm giảm quy mô thành phố trung tâm, góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc tế. Do đó, vùng Thủ đô là “ngôi nhà chung”, trong đó Thủ đô Hà Nội là trụ cột. Quản lý vùng Thủ đô có vai trò đặc biệt quan trọng. UBND TP Hà Nội sẽ phải là một thành viên chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo của Ủy ban hoặc Hội đồng quản lý và phát triển vùng Thủ đô. Thủ đô Hà Nội có sức hút và sức lan tỏa rất mạnh mẽ đối với miền Bắc, cả nước và quốc tế, đòi hỏi sự liên kết phát triển vùng phải được tăng cường, như là một động lực phát triển.

TS Trần Hữu Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ:Từng xã, phường phải tự lực giải quyết tại chỗ mọi công việc


Số lượng đơn vị hành chính cấp cơ sở của Thủ đô rất lớn, với tổng số 584 đơn vị, đứng thứ hai trong cả nước. Chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn cả trong giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị thành phố. TP Hà Nội đã quy định tiêu chuẩn cho từng chức danh cán bộ công tác tại xã, phường, thị trấn, thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở theo chức danh, nhiệm vụ được giao, đưa cán bộ tốt nghiệp đại học về công tác tại cơ sở để từng bước chuẩn hóa các chức danh cán bộ đang công tác tại xã, phường. Phấn đấu thực hiện mục tiêu là từng xã, phường tự lực giải quyết tốt tại chỗ mọi công việc, nhiệm vụ được giao trên địa bàn mà không nhất thiết phải cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan cấp trên. Muốn vậy, phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng, mà trước hết là tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên cả ở đô thị và nông thôn. Đó là tiền đề nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, phát huy dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp của người dân, của cộng đồng dân cư, tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị tại cơ sở xã, phường, thị trấn.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Luôn cân nhắc yếu tố văn hóa trong quy hoạch

Vô cùng có lý khi kiến trúc sư lừng danh Le Corbuse cho rằng: “Kiến trúc tạo nên con người”, “Quy hoạch làm ra xã hội”. Trong cùng một ý nghĩa, người Việt Nam nói: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Chính các nhà quy hoạch và kiến trúc sư tạo nên cái vỏ của không gian sống và trong đó con người chịu sự tác động. Do vậy, cần phải tìm ra cho được một mô hình đô thị hóa và phát triển đô thị thích hợp với vùng đất, tự nhiên, văn hóa - xã hội và con người. Trong tác phẩm “Pơtao - Một lý thuyết về quyền lực ở người Jơrai Đông Dương” của nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Jacquers Dournes có đoạn: “Một nền văn hóa lý thú là ở chỗ nó khác với nền văn hóa khác. Nó đáng chú ý là ở chỗ những sự khác biệt của nó chứ không phải do những chỗ giống nhau với một nền văn hóa nào đó”. Một sự thật khó chối bỏ rằng quy hoạch không gian và kiến trúc là một loại công cụ mạnh nhất góp phần làm cho “mọi cái đều na ná giống nhau”. Bằng quy hoạch người ta có thể xóa nhòa ranh giới văn hóa, làm mất khái niệm bản sắc và trộn chúng vào nhau đến mức không nhận ra được nữa. Vì vậy, luôn cân nhắc đến các yếu tố văn hóa trong quy hoạch ở tầm vĩ mô hay trong khi hiện thực hóa quy hoạch 1:500 là điều rất cần thiết. Bài học thành công của Đài Loan và thất bại của Hàn Quốc trong khi quy hoạch vùng văn hóa nông thôn là điều quan trọng cho chúng ta trong khi hoạch định chính sách phát triển đô thị, nhất là cho các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chiến lược phát triển bền vững Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.