(HNM) - Ngày 24-11, UBND TP Hà Nội đã tổ chức tổng kết 15 năm (2000-2015) phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn Thủ đô (Phong trào) và 10 năm thực hiện Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần hình thành nếp sống văn minh, bồi đắp truyền thống văn hóa người Hà Nội. Trong ảnh: Lễ hội truyền thống tại thôn Đông Thượng, xã Đông Yên, Quốc Oai.Ảnh: Anh Tuấn |
Tới dự có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố; Ngô Văn Quý, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố. Theo đánh giá, việc thực hiện Phong trào ngày càng sâu rộng, có sức lan tỏa, tác động tích cực, sâu sắc, toàn diện đến nhiều lĩnh vực của đời sống, góp phần bồi đắp văn hóa người Hà Nội.
Hình thành nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
Nhìn lại chặng đường đã qua, đại diện các ngành, địa phương đều có chung nhận định, việc triển khai Phong trào trên địa bàn TP Hà Nội được thực hiện một cách linh động, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Thủ đô, thiết thực góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Kết quả nổi bật là những chuyển biến tích cực trong việc cưới, việc tang. Đối với việc cưới, toàn thành phố có 90,88% số đám cưới thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Hàng trăm đoàn viên, thanh niên Thủ đô đã chọn hình thức cưới tiệc ngọt, tiệc trà vui vẻ, ấm cúng thay cho những đám cưới linh đình, tốn kém. Bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, trước khi thực hiện mô hình cưới văn minh, các đám cưới ở Hà Đông phổ biến có 150-200 mâm cỗ, kéo dài 2-3 ngày. Thế nhưng, hiện nay, 98% số đám cưới ở quận Hà Đông thực hiện theo nếp sống văn minh với số lượng khách mời không quá 300 người (50 mâm), không mời thuốc lá,...
Trong việc tang, hủ tục lăn đường, để di hài người quá cố nhiều ngày, tổ chức ăn uống,… đã cơ bản được khắc phục. Hình thức hỏa táng ngày càng được nhiều tang chủ lựa chọn. Ở các quận nội thành, tỷ lệ hỏa táng đạt 80% trở lên. Một số huyện vốn nặng nề hủ tục như: Đông Anh, Thanh Trì, Thạch Thất, Phú Xuyên…, tỷ lệ hỏa táng cũng đạt 40-70%. Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết thêm, đa số thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn đã thành lập ban lễ tang. Khi các gia đình có đám tang, đại diện các ban, ngành, đoàn thể và bà con lối xóm ở các thôn, làng, tổ dân phố đến giúp đỡ các gia đình tổ chức tang lễ trang nghiêm, tiết kiệm.
Phát huy tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Phong trào, những kết quả đạt được trong quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc cưới, tang theo nếp sống văn minh là rất đáng ghi nhận, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức hết vai trò, ý nghĩa của Phong trào nên chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; một số lãnh đạo địa phương chưa tiên phong, gương mẫu thực hiện để người dân làm theo.
Chia sẻ kinh nghiệm, bà Phạm Thị Hòa khẳng định, quan niệm “cả đời người chỉ có một lần, phải cưới sao cho hoành tráng” khá phổ biến trong xã hội. Thời gian đầu triển khai mô hình cưới văn minh, quận Hà Đông gặp phải sự phản ứng khá quyết liệt từ người dân. Nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức, dần dần người dân đã hiểu và tự giác thực hiện. Song song với công tác tuyên truyền, quận Hà Đông nghiêm túc xử lý đội ngũ cán bộ, đảng viên vi phạm, làm gương cho nhân dân. Cũng nhờ phát huy tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, huyện Đông Anh trở thành một trong những địa phương đầu tiên trên địa bàn TP Hà Nội triển khai hiệu quả mô hình việc tang văn minh. Hiện 100% đám tang ở Đông Anh được tổ chức trang trọng, tiết kiệm.
Để việc cưới, việc tang văn minh tiếp tục được triển khai sâu rộng, hiệu quả trên toàn địa bàn Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến giá trị, ý nghĩa của việc làm này tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Quá trình tổ chức thực hiện cần có sự sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán của từng vùng, địa phương. Sau 15 năm bền bỉ triển khai thực hiện Phong trào nói chung, mô hình cưới, tang theo nếp sống văn minh nói riêng, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Thủ đô đã có nhiều thay đổi. Các phong trào này là “cái gốc” vững chắc cho việc xây dựng, bồi đắp văn hóa người Hà Nội như Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định tại hội nghị.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Phong trào tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống 15 năm qua, Thủ đô của chúng ta đã có nhiều thay đổi, kinh tế, văn hóa, xã hội đã có những bước chuyển biến đáng tự hào. Nếu như năm 2000, toàn thành phố có hơn 71% số hộ gia đình được công nhận đạt và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đến năm 2015 con số đó đã đạt 85%. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội có 88% số hộ, 62% số làng, thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”; 72% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”…, các ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa; đổi mới từ tư duy đến hành động, tạo sự chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái: Hà Nội triển khai phong trào sâu rộng, chất lượng Những kết quả Hà Nội đạt được trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phản ánh rất rõ sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Thủ đô. Cách triển khai bài bản, bền bỉ, linh hoạt, tôn trọng tính đặc thù của TP Hà Nội có thể là kinh nghiệm tốt để các địa phương khác học tập. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.