(HNM) - Có chủ trương từ lâu, dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BT LSQG) tại Cổ Nhuế, Từ Liêm (Hà Nội) với kinh phí dự kiến lên tới 11.277 tỷ đồng vừa được Bộ Xây dựng trình Bộ KH&ĐT đề nghị thẩm định. Ngay lập tức, đã có nhiều ý kiến bàn về dự án này. Quy trình ngược?
Theo các chuyên gia, BT là tấm gương phản chiếu lịch sử, văn hóa dân tộc, nên việc xây dựng BT tầm cỡ quốc gia là cần thiết. Tuy nhiên, kinh phí xây dựng BT LSQG dự kiến lên tới 11.277 tỷ đồng (chưa bao gồm nội dung trưng bày) là quá lớn trong điều kiện kinh tế đất nước đang khó khăn như hiện nay. Hơn thế, theo phương án trình lên, BT LSQG đang thực hiện theo quy trình ngược, tức là xây dựng phần vỏ trước, phần lõi (hiện vật, con người, công nghệ vận hành…) hoàn thiện sau.
Phối cảnh Bảo tàng Lịch sử quốc gia. |
Là thành viên Hội đồng tư vấn khoa học cho BQL xây dựng BT LSQG, PGS - TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng: "Thông thường, khi xây dựng bảo tàng, việc đầu tiên phải làm là tổng kiểm kê nhân lực và hiện vật, sau đó mới bàn đến kiến trúc xây dựng, phương án trưng bày, chiến lược thu hút người xem... Với dự án BT LSQG, tôi chưa thấy ai làm việc đó. Theo tôi, BT LSQG muốn có nội dung trưng bày tốt thì phải chuẩn bị trong 5-10 năm. Cần thay đổi tư duy làm BT, không nên chạy theo tiêu chí "kỷ lục", mà nên chú trọng chất lượng trưng bày".
Theo TS Chu Đức Tính, Giám đốc BT Hồ Chí Minh, ở hầu hết các nước có hệ thống bảo tàng tiên tiến, nội dung trưng bày được chuẩn bị từ nhiều năm trước, xây vỏ xong là hoàn thiện trưng bày ngay. Chúng ta đang làm ngược lại, đó là sự nghịch lý. Trên thực tế, BT Hà Nam, Nam Định, Phú Yên, Bắc Ninh… thực hiện theo quy trình ngược đã phải trả giá đắt. GS Lê Văn Lan bày tỏ quan điểm: "Trên thế giới, công thức đúc kết sự thành công của BT là xây dựng một, trưng bày phải tốn gấp ba".
Trước luồng dư luận này, ông Vũ Mạnh Hà, Phó Trưởng ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày BT LSQG khẳng định: "BT LSQG sẽ đi theo hướng chuẩn quốc tế là xây dựng đề cương trưng bày, thiết kế nội dung song song với thiết kế kiến trúc. Hiện nguồn tài liệu, hiện vật đang lưu trữ tại BT Cách mạng và BT Lịch sử cũng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu trưng bày của BT mới".
Bảo tàng nhỏ vẫn hút khách
Trong khi nhiều BT lớn ế khách thì những BT nhỏ hơn nhưng có nội dung trưng bày phong phú, hấp dẫn vẫn thu hút đông đảo khách tham quan.
Nhờ nội dung trưng bày phong phú, Bảo tàng Dân tộc học được đánh giá là bảo tàng hấp dẫn số một Việt Nam hiện nay. Ảnh: Phương Thanh |
Bảo tàng LSQG lấy ý tưởng từ truyền thuyết bọc trứng Mẹ Âu Cơ. Công trình được đặt trong khuôn viên Công viên Hữu Nghị, gồm 4 hạng mục lớn là: Tòa nhà chính; khu tưởng niệm danh nhân; khu trưng bày ngoài trời; hạng mục kỹ thuật phụ trợ, cây xanh, cảnh quan. Tòa nhà chính có diện tích sàn xây dựng gần 90.000m2, chiều cao tối đa 32,5m. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.