Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Xanh hóa” thương hiệu quốc gia Việt Nam

Lam Giang| 23/04/2023 07:01

(HNM) - Sau 20 năm triển khai, Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đem về những “trái ngọt” khi ngày càng nhiều doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu, thương hiệu quốc gia Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, để bắt nhịp với xu hướng của kinh tế xanh - tuần hoàn, định vị thương hiệu doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải đẩy mạnh “xanh hóa” gắn với phát triển theo chiều sâu, bền vững.

Việc chú trọng nâng cao hàm lượng công nghệ trên mỗi sản phẩm giúp Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp bảo đảm tăng trưởng xanh. Ảnh: Nguyễn Quang

Số thương hiệu quốc gia tăng gần 6 lần

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2003, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Sau 20 năm, Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đem về những “trái ngọt”. Nếu như tại kỳ xét chọn đầu tiên năm 2008, 30 doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí của chương trình thì năm 2022, số lượng doanh nghiệp được ghi danh thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng gần 6 lần với 172 đơn vị. Đáng chú ý, 172 doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh ấn tượng, với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1.570 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước gần 129 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm, thu nhập cho gần 600 nghìn lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh và trách nhiệm xã hội.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Trưởng ban Thư ký Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam Vũ Bá Phú, thành quả có tính cốt lõi là ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp.

Brand Finance (hãng định giá thương hiệu có trụ sở tại London, Vương quốc Anh) ghi nhận, Việt Nam là điểm sáng trong phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, ở mức 74% trong 4 năm 2019-2022. Năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam được Brand Finance định giá là 247 tỷ USD. Các năm tiếp theo giá trị này tăng đều và đạt 431 tỷ USD năm 2022. Về thứ hạng, năm 2019, Việt Nam xếp thứ 42, năm 2022 tăng 10 bậc lên vị trí 32 trong tốp 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Về giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, tốp 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam có tăng trưởng rất cao là 36%.

Bước đi tất yếu

Tăng trưởng xanh được coi là chìa khóa để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Mặt khác, kinh tế xanh, tuần hoàn, tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường đang trở thành xu hướng toàn cầu, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng và chuyển đổi sang sản xuất xanh, thương mại xanh để tiếp tục gia tăng giá trị thương hiệu.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến cho rằng, thương hiệu xanh mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Để giải bài toán thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững, doanh nghiệp phải đầu tư sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, nguyên, vật liệu thân thiện môi trường, và phải có trách nhiệm với xã hội…

Chú trọng nâng cao hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, bảo vệ môi trường đã giúp Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp bảo đảm tăng trưởng xanh. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho biết, công ty đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải, hệ thống lọc hút, quan trắc khí thải có công nghệ hàng đầu, từ đó kiểm soát tốt các loại chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất. Từng cán bộ, công nhân đều ý thức bảo vệ môi trường là tiết kiệm cho doanh nghiệp và bản thân.

Tương tự, Trưởng ban Điều phối dự án phát triển bền vững, Tập đoàn TH Hoàng Thị Thanh Thủy cho hay, ngay từ ngày đầu thành lập, TH đã ứng dụng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững nhằm xây dựng một thương hiệu uy tín, có chất lượng đối với người tiêu dùng. Cụ thể, tập đoàn đã triển khai nhiều phần mềm quản trị tiên tiến như: Quy trình chăn nuôi chuồng trại từ Israel; quy trình kiểm soát phối trộn thức ăn từ Italia, đồng thời xây dựng hệ thống tái tạo năng lượng mặt trời trên chuồng trại…

Để các thương hiệu Việt Nam hướng tới phát triển xanh, thúc đẩy nền kinh tế xanh, ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, vai trò của Nhà nước đặc biệt quan trọng. Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến cho rằng, rất cần sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp; sự phối hợp của các bộ, ngành trong việc phổ biến các chính sách, chương trình và tạo ra các kênh pháp lý để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu doanh nghiệp xanh và thương hiệu quốc gia xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Xanh hóa” thương hiệu quốc gia Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.