Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xăng dầu, điện đồng loạt tăng giá: Nửa lo, nửa mừng

Hương Ly| 13/03/2015 06:15

(HNM) - Giá xăng dầu, điện tăng trong tháng 3 sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Bộ Công thương, giá điện tăng 7,5% sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 tăng 0,369%. Giá thành sản xuất phôi thép, xi măng cũng sẽ tăng theo giá điện. Chi phí tiền điện của người dân cũng sẽ tăng từ 6.000 đến 59.000 đồng/tháng. Nhiều DN cho biết, việc giá xăng dầu, điện tăng mạnh sẽ tác động hai mặt tới DN.

Giá một số mặt hàng tiêu dùng bị ảnh hưởng do chi phí xăng dầu và điện tăng. Ảnh: Thái Hiền


Sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng

Ngay khi Bộ Công thương họp báo công bố giá điện sẽ tăng thêm 7,5% trong tháng 3, giá xăng A92 tăng 1.616 đồng/lít, lên 17.286 đồng/lít, xăng E5 được điều chỉnh tăng lên với mức giá mới là 16.956 đồng/lít đã khiến hoạt động SXKD của các DN bị ảnh hưởng. Trao đổi với PV Báo Hànộimới ngày 12-3, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Cao Sỹ Kiêm khẳng định, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành và sức cạnh tranh của DN. Song, mức độ ảnh hưởng tới mỗi DN sẽ khác nhau tùy theo lượng điện năng, nhiên liệu của từng DN, ngành hàng. Tuy nhiên, việc xăng dầu và điện tăng giá sẽ tác động hai mặt tới DN, buộc mỗi DN phải cân nhắc giá thành đầu ra để hài hòa lợi ích mà vẫn bảo đảm cạnh tranh để thu hút khách hàng.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, chi phí xăng dầu, điện tăng sẽ làm tăng giá thành đầu ra của DN và tác động đến tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm. Vì vậy, không chỉ DN mà người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, việc tăng giá xăng dầu, điện ngay sau đợt nghỉ Tết, khi hoạt động SXKD của DN giảm do đợt nghỉ kéo dài, khả năng hấp thụ vốn cũng như sức mua yếu đã tạo ra những bất lợi cho cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, việc xăng đầu điều chỉnh tăng 1.616 đồng/lít trong một lần, trong khi mức giảm giá thường chỉ nhỏ giọt 300-500 đồng, còn điện lại tăng tới 7,5% sẽ gây sốc cho cộng đồng DN. Theo ông Mạc Quốc Anh, nếu giá điện chỉ tăng 2-3% và giá xăng ở mức độ phù hợp hơn sẽ giúp DN chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Tại cuộc họp báo về tăng giá điện vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ Công thương cũng tính toán, nếu giá điện tăng 7,5% sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 lên 0,369%; giá thành sản xuất phôi thép tăng 0,75%, giá thành sản xuất xi măng tăng 2,25%. Đối với người dân, giá điện tăng sẽ làm các hộ sử dụng điện dưới 100 kwh/tháng phải trả thêm 6.000 đồng/tháng tiền điện; các hộ sử dụng điện từ 100 đến 300 kwh/tháng phải trả thêm 18.900 đồng/tháng và các hộ sử dụng trên mức này phải trả thêm ít nhất 59.000 đồng/tháng.

Tăng giá vào thời điểm phù hợp?

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Tư (CIEM) cho rằng, giá điện tăng ở thời điểm này có thuận lợi là không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát. Giá điện tăng nhưng có thể vẫn bảo đảm được mục tiêu lạm phát ở mức 5% trong năm 2015. Tuy nhiên, việc tăng giá điện vẫn phản ánh hai góc nhìn khác nhau. Người sử dụng điện hiện vẫn chưa hài lòng về tính minh bạch, cấu trúc giá điện chưa rõ ràng, cấu trúc thị trường điện chưa bảo đảm tính cạnh tranh. Trong khi đó, Bộ Công thương lập luận rằng với cấu trúc giá thành điện hiện nay, EVN đã và sẽ thua lỗ, như vậy, sản xuất sẽ không bền vững, không cạnh tranh được... Dưới một góc nhìn khác, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng cho rằng, thời điểm tăng tháng 3 là phù hợp khi thời tiết chưa nắng nóng, sản xuất chưa tăng tốc mạnh, nên tác động không quá lớn như các tháng khác. Như vậy, tác động tới DN cũng sẽ giảm bớt.

Tán thành việc giá thành các mặt hàng, trong đó có xăng dầu, điện phải tuân theo quy luật thị trường, bởi Việt Nam đã, đang hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới, song ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, các chính sách đưa ra cần chủ động và thiết thực hơn khi đi vào cuộc sống. Việc bảo đảm những chính sách này không đi ngược lợi ích của DN và phù hợp với thông lệ quốc tế cần được tính toán kỹ lưỡng để cộng đồng DN Việt Nam có thể chủ động hơn khi các hiệp định thương mại quốc tế có hiệu lực.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2015, CPI sẽ tăng khoảng 5%, GDP đạt 6,2%. Mặc dù CPI 2 tháng đầu năm tăng chậm, thậm chí ở mức âm song không thể lơ là việc kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô theo đúng mục tiêu mà Chính phủ, Quốc hội đã thông qua. Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), lạm phát năm 2015 của Việt Nam sẽ ở mức 3%. NFSC cho biết, giá dầu thô giảm trong năm 2015 sẽ tác động làm CPI giảm khoảng 1,1% so với lạm phát bình quân năm 2014 và đạt khoảng 3%. Trước thực tế này, NFSC cho rằng, CPI ở mức 3% trong năm 2015 là cơ hội để Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành xem xét điều chỉnh giá của một số mặt hàng mà không tạo biến động lớn trên thị trường và nền kinh tế. Giá xăng dầu giảm là cơ hội giảm chi phí vận tải, việc sớm giảm chi phí vận tải có tác dụng lan tỏa tốt trong nền kinh tế đối với cả sản xuất và tiêu dùng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến duy trì mức lãi suất thấp, nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để tiếp tục hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh… Do đó, việc xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay là cần thiết và nhiều ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xăng dầu, điện đồng loạt tăng giá: Nửa lo, nửa mừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.