Xã hội

Xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Mang đến nhiều lợi ích

Hà Hiền 31/07/2023 - 07:03

Việc thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp tại một số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ tháng 11-2022 đến nay đã mang lại nhiều lợi ích. Đây cũng là giải pháp để cơ quan chức năng phát hiện sớm những trường hợp “mượn” thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh, góp phần phòng ngừa tình trạng gian lận, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.

xac-thuc.jpg
Việc ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp mang lại lợi ích cho cả người dân và cơ quan bảo hiểm xã hội.

Nhanh, gọn và chính xác

Nhanh, gọn và chính xác là đánh giá chung của bệnh nhân khi làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng công nghệ xác thực sinh trắc.

Từng sử dụng công nghệ này khi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa An Việt (đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân), anh Lưu Xuân Nguyên (trú tại ngõ 278 đường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết, thay vì phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng các giấy tờ khác liên quan, bệnh nhân chỉ cần đặt căn cước công dân và ngón tay trỏ lên máy kiểm tra. Sau vài giây, máy tính hiện kết quả xác nhận bệnh nhân và chủ căn cước công dân là một người. Tiếp đó, bệnh nhân được phân luồng khám, chữa bệnh theo thứ tự cập nhật trên hệ thống điện tử, ai đến trước sẽ khám trước, hạn chế tình trạng phải xếp hàng từ sáng sớm để lấy số khám bệnh.

Không chỉ mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân, mạng lưới cơ sở y tế cũng được hưởng nhiều lợi ích khi ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc. Theo những cơ sở đang triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp, nếu như trước đây, việc đón tiếp bệnh nhân tối thiểu gồm 4 bước, thì hiện chỉ còn 2 bước. Trung bình thời gian đón tiếp giảm khoảng gần 10 phút, xuống còn từ 6 đến 13 giây/lượt thực hiện.

Việc ứng dụng công nghệ này còn giúp cơ quan bảo hiểm xã hội nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, hạn chế trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế. Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết: “Nhờ độ chính xác cao, công nghệ mới này triển khai trên diện rộng sẽ khắc phục được tình trạng anh, chị mượn thẻ bảo hiểm y tế của em đi khám và ngược lại”.

Khi quy đổi ra giá trị kinh tế, các cơ quan chức năng ước tính, bình quân mỗi lượt đón tiếp bệnh nhân thực hiện khám, chữa bệnh bằng công nghệ sinh trắc vân tay tiết kiệm 26.495 đồng so với phương thức truyền thống. Trong khi đó, những năm gần đây, mỗi năm, hệ thống cơ sở y tế phục vụ khoảng 170 triệu lượt bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Như vậy, nếu triển khai công nghệ này trên quy mô rộng sẽ giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Nghiên cứu để nhân rộng

Dù công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp được đánh giá cao về tính hiệu quả, nhưng việc áp dụng hiện còn nhiều khó khăn.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khó khăn lớn nhất là số lượng máy xác thực sinh trắc còn ít, tốc độ kết nối thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn chậm, nên không dễ triển khai trên quy mô rộng. Về phía bệnh nhân, một bộ phận không nhỏ người lớn tuổi, người mắc bệnh nặng có vân tay bị mờ, khiến máy quét vân tay khó nhận diện chính xác. Ngoài ra, hành lang pháp lý cho lĩnh vực này còn thiếu…

Cùng hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, các bên liên quan đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên phạm vi rộng. Với vai trò chủ trì, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngành sẽ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an ban hành quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn xác thực sinh trắc trên căn cước công dân gắn chíp, làm căn cứ để các bên dễ dàng triển khai. Cùng với đó, ngành tiếp tục điều chỉnh, nâng cấp phần mềm, trang bị thiết bị đọc thông tin sinh trắc nhằm tăng tốc độ kết nối, tăng số lượng bệnh nhân sử dụng công nghệ mới.

Ngoài công nghệ sinh trắc vân tay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an ứng dụng công nghệ sinh trắc bằng khuôn mặt trên căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. “Hai công nghệ này được triển khai đồng thời, hỗ trợ cho nhau, giúp xác thực chính xác hơn”, ông Nguyễn Thế Mạnh thông tin.

Về phía ngành Y tế, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho hay, Cục đang nghiên cứu kỹ hơn về nội dung này để báo cáo Bộ Y tế có phương án mở rộng phạm vi áp dụng công nghệ sinh trắc tại nhiều bệnh viện. Khi triển khai, nội dung nào, kỹ thuật nào chưa phù hợp, các bên sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện…

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho rằng, với những tiện ích thấy rõ và được kiểm chứng, các bên liên quan cần sớm ứng dụng rộng rãi công nghệ xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Mang đến nhiều lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.