Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ''trái ngọt'' an sinh...

Minh Vũ| 21/12/2022 06:26

(HNM) - “Mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân” là nhiệm vụ chủ yếu, nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội theo Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Triển khai nhiệm vụ quan trọng này, các cơ quan chức năng của thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và kết quả tích cực đang thu về là những "trái ngọt" an sinh...

Đại diện UBND huyện Đan Phượng trao sổ bảo hiểm xã hội tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tân Lập.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Không khó để nhận thấy, việc triển khai Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội vào thời điểm kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy vậy, cả hệ thống chính trị ở Thủ đô đã nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tinh thần đồng bộ, quyết liệt cùng những cách làm sáng tạo, thiết thực.

Ở cấp thành phố, HĐND, UBND thành phố xây dựng, ban hành nhiều kế hoạch, nghị quyết nhằm cụ thể hóa nội dung, rõ mục tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU làm căn cứ cho các bên dễ dàng thực hiện. Đặc biệt, ngày 6-7-2022, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND, trong đó quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025, với mức hỗ trợ đóng cao gấp 2 lần so với quy định chung của Chính phủ.

Với vai trò quản lý nhà nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với công đoàn cơ sở, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất theo dõi sát, nắm bắt rõ tình hình lao động, việc làm, tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động trên địa bàn. 

Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng được ngành Bảo hiểm xã hội cùng các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả. Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, riêng 11 tháng năm 2022, các cơ quan chức năng đã thực hiện hơn 8.500 cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả, các cơ quan chức năng thu về hơn 640 tỷ đồng tiền nợ đóng; đồng thời yêu cầu đóng và truy đóng bảo hiểm xã hội cho hàng trăm người lao động do đơn vị sử dụng lao động chưa đóng hoặc đóng thiếu thời gian theo quy định. 

Các quận, huyện, thị xã của thành phố cũng đưa chỉ tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, tại quận Nam Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Thanh Long cho hay, trong 2 năm qua, Quận ủy, HĐND, UBND quận đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo, điều hành về bảo hiểm xã hội. Nhờ đó, các đơn vị, địa phương của quận đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Củng cố vững chắc hệ thống an sinh xã hội           

Nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thành phố đã, đang thu về những “trái ngọt” an sinh. Số người tham gia các chính sách có bước tăng ấn tượng, đến thời điểm đầu tháng 12-2022, Hà Nội có gần 1,97 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng hơn 100.000 người so với cuối năm 2020 (trước khi thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU), bằng 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng hơn 10% mỗi năm và hiện có hơn 70.000 người ghi tên trên hệ thống an sinh, bằng 1,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Về bảo hiểm thất nghiệp, số người tham gia chính sách cũng tăng nhanh, hiện có hơn 1,9 triệu người, bằng khoảng 39% lực lượng lao động trong độ tuổi. Bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ 92,5% dân số ở Thủ đô, tương ứng với gần 7,7 triệu người có cơ hội được chi trả phần lớn chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. “So với mục tiêu cần thực hiện năm 2022 tại Chương trình số 08-CTr/TU, các chỉ tiêu về phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều đạt và vượt. Điều này góp phần bảo đảm an sinh bền vững cho người dân, từng bước củng cố vững chắc hệ thống an sinh xã hội của Thủ đô”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương nhấn mạnh.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa, nhờ thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, người dân được bảo vệ bởi lưới an sinh là giải pháp nền tảng để quận trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo. Hiện toàn quận chỉ còn 56 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới, có 5/17 phường không còn hộ nghèo và cận nghèo”.

Từ những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ hơn, việc mở rộng, phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo Chương trình số 08-CTr/TU, góp phần củng cố vững chắc hệ thống an sinh xã hội ở Thủ đô, tạo điều kiện cho người dân có điểm tựa an sinh lâu dài, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ''trái ngọt'' an sinh...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.