Bầu không khí chuẩn bị chiến tranh đang sôi sục ở bán đảo Triều Tiên, kể từ khi CHDCND Triều Tiên đáp trả lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc bằng việc đe dọa tấn công Mỹ và Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un một mặt cho khởi động bộ máy quân sự đầy bí hiểm, mặt khác đưa ra những đe dọa “sấm sét” nhằm vào “kẻ thù”. Những động thái này khiến dư luận lo ngại về một cuộc chiến có thể xảy ra, mà theo Viện Nghiên cứu chiến lược IISS tại London thì xác suất Triều Tiên tuyên chiến trong năm nay là rất cao.
Nhận định của Viện Nghiên cứu chiến lược IISS công bố hôm 16.3 tại London nói rõ, rất có thể Triều Tiên sẽ phát động một cuộc tấn công khiêu khích vào Hàn Quốc ngay trong năm nay. IISS đưa ra tính toán này dựa trên yếu tố chính là Triều Tiên đã có tên lửa mà tầm phóng đủ tấn công Hàn Quốc lẫn Nhật Bản; trong bối cảnh xác suất đụng độ tăng cao vì Hàn Quốc rất có thể sẽ có những động thái phản ứng vì không chịu nổi những lời đe dọa đầy khiêu khích mà đối phương liên tiếp giáng xuống đầu.
Về phía Mỹ, đến lúc này Mỹ vẫn tuyên bố là Triều Tiên không đủ khả năng tấn công trực tiếp vào lãnh thổ nước Mỹ. Nhưng điều này không ai dám chắc vì Triều Tiên nay đã đạt được nhiều tiến bộ về vũ khí: Tháng 12.2012 họ thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo dưới hình thức phóng vệ tinh; rồi tháng 2.2013, vụ nổ hạt nhân lần thứ ba được tiến hành trong lòng đất...
Giữa tuần trước Triều Tiên tuyên bố chấm dứt tham gia Hiệp ước đình chiến ký năm 1953, đồng thời loan báo sẽ sử dụng sức mạnh vũ trang nguyên tử để “tiêu diệt kẻ thù”. Trước nguy cơ bất ổn dâng cao tại bán đảo Triều Tiên, Mỹ đã có những biện pháp phòng ngừa nhằm “vô hiệu hóa mọi âm mưu tấn công của đối phương trong tương lai”. Cụ thể chiều 15.3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo “tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ và duy trì mức độ vượt xa” đối phương về quân sự.
Theo đó, lực lượng 30 hỏa tiễn bảo vệ bờ tây đặt ở Alaska (phía bắc) và California (phía nam) - sẽ được tăng lên thành 44 hỏa tiễn vào năm 2017. Đây là loại phi đạn chặn tên lửa liên lục địa GBI đặt trên đất liền. Mặt khác, trong kế hoạch lá chắn chống tên lửa của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, một giàn rađa TPY-2 cũng sẽ được thiết lập tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng với phi đạn chặn tên lửa đặt tại hai thành viên Ba Lan và Romania. Mỹ cũng sẽ “tái cấu trúc” chương trình hỏa tiễn diệt hỏa tiễn SM3 trang bị cho khu trục hạm và tuần dương hạm Aegis, một trong những cột trụ phòng không của Mỹ. Cuối cùng, bộ trưởng Chuck Hagel thông báo việc nghiên cứu tìm một địa điểm mới tại Mỹ để đặt thêm một giàn tên lửa GBI, mà theo đề nghị của Đảng Cộng hòa là chọn bờ biển phía đông.
Tình hình bán đảo Triều Tiên như “ thùng thuốc súng”, một động thái khiêu khích sẽ gây hệ quả khó lường. Tuy nhiên, cũng theo IISS, ít có khả năng xung đột biến thành chiến tranh toàn diện, bởi sẽ có các tác nhân ngăn chặn, kiềm chế, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Mỹ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.