Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác định lợi thế, tăng giá trị xuất khẩu

Đặng Loan| 23/03/2018 07:24

(HNM) - Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”.

Tăng trưởng khá

Năm 2018, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh dự kiến kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước tăng 12%; qua cửa khẩu thành phố tăng 10% so với năm 2017. Trong hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố qua các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 5,39 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu qua các cảng của thành phố đạt gần 5,2 tỷ USD, tăng 17,6%. Trong đó, nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản tăng hơn 24%; nhóm hàng công nghiệp tăng gần 19%; các nhóm hàng khác tăng hơn 43%. Các thị trường xuất khẩu cũng tăng trưởng tốt, trong đó khu vực Châu Á tăng hơn 22%, Châu Mỹ tăng hơn 30%, Châu Âu tăng gần 8%...

Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu qua các cảng của TP Hồ Chí Minh tăng 17,6%.


Theo đánh giá từ Sở Công Thương, hoạt động xuất khẩu của thành phố đang diễn biến tích cực. Một điểm sáng nữa trong xuất khẩu là khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng khá với mức tăng hơn 34%, chiếm tỷ trọng xuất khẩu hơn 41%, kim ngạch đạt gần 2 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản với 92% doanh nghiệp trong nước có mức tăng trưởng khá. Mặt khác, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hoặc giảm trong năm 2017 như gạo, thủy hải sản… thì trong hai tháng đầu năm 2018 đã tăng trưởng trở lại...

Định hướng sự chuyển dịch của sản phẩm

Tại Hội nghị tham tán thương mại 2018 vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đang phối hợp với Viện Chính sách công trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và các chuyên gia giảng dạy tại Trường Đại học Fulbright xây dựng Đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020 định hướng đến 2030”. Đề án sẽ tập trung vào việc xác định lợi thế cạnh tranh về mặt hàng xuất khẩu cụ thể, qua đó xây dựng danh mục các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu ưu tiên phát triển trên địa bàn. Cụ thể, đề án sẽ dự báo cơ hội và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu của thành phố trong bối cảnh mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế; xác định các nhóm ngành sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh và đề xuất chiến lược hệ thống, giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để phát triển lĩnh vực xuất khẩu.

Theo Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (thuộc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh), phương pháp xây dựng đề án này khá mới so với trước đây. Các đề án trước đây đánh giá xuất khẩu dựa trên số liệu đã có, từ đó xác định cụ thể lợi thế so sánh của sản phẩm, nhưng không trả lời được liệu trong tương lai mặt hàng này có còn lợi thế hay không? Còn Đề án mới được thực hiện theo phương pháp có thể đo đếm, định hướng được sự chuyển dịch của sản phẩm trong tương lai. Qua đó xác định một cách tương đối chính xác hơn để có thể hoạch định chính sách cho các sản phẩm xuất khẩu.

Sở Công Thương cho biết, từ kết quả nghiên cứu của Đề án, sau khi đã xác định được các nhóm ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thì sẽ có những chương trình hỗ trợ cụ thể cho xuất khẩu. Thời gian qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Hồ Chí Minh (HAWA) thuộc Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu về đào tạo công nhân, chuyên gia kỹ thuật. Đây là mô hình thành công, vì vậy, sau khi Đề án xác định được các nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, Sở Công Thương sẽ đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ đào tạo cho 5 hội ngành nghề xuất khẩu chủ yếu.

Cùng với Đề án xuất khẩu, Sở Công Thương cũng nghiên cứu “Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025 định hướng đến 2030”, trong đó có nghiên cứu thực trạng, đề xuất giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng một trung tâm logistics. Theo đại diện Sở Công Thương, cần phát triển hoàn thiện hệ thống logistics, vì logistics tác động rất lớn đến giá thành, từ đó tác động đến sự cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, Sở Công Thương đề xuất UBND thành phố các phương án, địa điểm xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm xuất khẩu với nhà nhập khẩu. Bởi, hiện thành phố chưa có trung tâm hội chợ triển lãm nào đủ khả năng tổ chức hội chợ quốc tế với quy mô lớn.

Ngoài ra, Sở Công Thương cho biết sẽ nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ các điều khoản mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) không cấm như hỗ trợ về thông tin, tổ chức hội thảo theo nhóm hàng, mời chuyên gia làm diễn giả… Việt Nam hiện đã có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia Cộng đồng ASEAN, đã ký 12 FTA và đang đàm phán 4 FTA mới. Đặc biệt, Việt Nam vừa cùng 10 quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vì vậy, cùng với những giải pháp mà Sở Công Thương đang thực hiện và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, kỳ vọng xuất khẩu TP Hồ Chí Minh sẽ tận dụng được các lợi thế do các FTA mang lại và bật tăng trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định lợi thế, tăng giá trị xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.