(HNM) - Trong ngày làm việc thứ hai (12-7), Hội nghị lần thứ năm BCH Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục thảo luận 2 chương trình:
Tại hội nghị, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái là hướng đi của Hà Nội trong 5 năm tới và những năm tiếp theo. TP sẽ tiến hành đồng bộ các giải pháp, đầu tiên là hoàn thành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành.
Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo cán bộ quản lý, TP dành tối thiểu 35% ngân sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó 6-8% trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp. Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng thêm giá trị thu nhập trên một héc ta đất mỗi năm từ 6-8%; đồng thời tập trung xây dựng 21 cụm công nghiệp, tạo thuận lợi để 1.500 làng nghề phát triển, giải quyết việc làm cho khoảng 50% lao động; phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 20%.
Nhất trí với nội dung, giải pháp và mục tiêu chương trình đề ra, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong cho rằng chỉ tiêu đến 2015 tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 20% khó thực hiện. Thảo luận giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, một số đại biểu nêu ý kiến, TP cần tập trung vào 3 loại sản phẩm chính là rau an toàn, gạo và thịt để phục vụ nhu cầu của thị trường, vì hiện nay sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn hiện Chương trình "Phát triển nông thôn, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân TP Hà Nội, giai đoạn 2011-2015".
Xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ và cải thiện môi trường
Hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, làm cơ sở xác định các dự án trọng điểm; tạo bước đột phá trong lĩnh vực giao thông vận tải, cấp - thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường; kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc… là ba mục tiêu của Chương trình "Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường" - một chương trình được Thành ủy xác định là "trọng tâm của trọng tâm".
Theo tính toán của Ban Chỉ đạo chương trình, TP cần nguồn vốn khoảng 228.000 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp - thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường. Ngoài ngân sách của TƯ, TP, sẽ phải huy động hơn 83.000 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa (BT, BOT…). Chọn hình thức đầu tư nào cho hiệu quả, phục vụ sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài của Thủ đô là vấn đề các đại biểu quan tâm thảo luận. Các ý kiến đề nghị TP nên tập trung sử dụng tiết kiệm đất để bảo đảm sự phát triển bền vững, cân nhắc kỹ với các dự án triển khai theo hình thức BT; đồng thời có các giải pháp quy hoạch đồng bộ đi đôi với xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo; dự báo được tốc độ tăng dân số cơ học để có phương án đầu tư hạ tầng đồng bộ về giao thông, hệ thống cấp nước, trường học…
Về một số vấn đề các đại biểu thảo luận, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, nhu cầu về đầu tư hạ tầng của TP rất lớn. Một trong những yếu tố để bảo đảm chương trình thành công chính là nguồn lực. Trong thời gian tới, TP sẽ huy động nhiều nguồn từ ngân sách Nhà nước, ODA, trong đó có cả hình thức BT… TP sẽ có cơ chế kiểm soát không để thất thu tài sản của nhà nước và nhân dân…
Sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ năm BCH Đảng bộ TP Hà Nội đã hoàn thành chương trình đề ra. Hội nghị đã tập trung trí tuệ thảo luận và thông qua 4 trong 9 chương trình công tác toàn khóa và cho ý kiến đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54 NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh Thủ đô 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ những tháng cuối năm; công tác tiếp công dân và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá, sáu tháng qua, TP triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trong điều kiện khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu, vượt lên những khó khăn, thử thách, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đạt được kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực công tác.
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2011, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh các cấp, các ngành của thành phố cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 7 nhóm nhiệm vụ nêu trong dự thảo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố trình hội nghị
Ba mục tiêu về “tam nông” - Phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 1,5-2%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 210-220 triệu đồng/ha. Sản lượng lương thực đạt trên một triệu tấn, trong đó có 35% lúa hàng hóa chất lượng cao; diện tích trồng rau an toàn đạt 5.500ha. - Hoàn thành quy hoạch các xã xây dựng NTM trong năm 2012; phấn đấu trên 40% xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015. - Thu nhập của người dân đạt 25 triệu đồng/người/năm vào năm 2015; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 20%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo chiếm 55%... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.