(HNM) - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, BCH TƯ Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa đi qua chặng đường 15 năm.
5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp bao trùm nhiều lĩnh vực đã trở thành định hướng cho công cuộc xây dựng văn hóa, phát triển đất nước suốt hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng con người mới vẫn chưa được nhìn nhận một cách toàn diện. Đây cũng là nỗi day dứt chung của đa số đại biểu tại hội nghị tổng kết nghị quyết này.
Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc góp phần xây dựng nhân cách thế hệ trẻ. Ảnh: TTXVN |
Vì sao phải tập trung vào con người?
Tại hội nghị, từ các GS cho tới nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, giáo dục… đều không ngần ngại chỉ ra: Hạn chế lớn nhất những năm qua là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chúng ta chưa thực sự thấy rõ gia đình và văn hóa gia đình trở thành cái nôi hình thành và phát triển nhân cách con người. GS Trần Tiêu thậm chí đã đặt vấn đề: Xuống cấp về đạo đức và lối sống là nguy cơ lớn nhất của văn hóa hiện nay. Còn Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, việc quan trọng cần làm nhất trong thời gian tới phải là tập trung cho xây dựng và phát triển con người văn hóa để đẩy lùi thực trạng suy thoái đạo đức.
Thực tế cuộc sống không thiếu những dẫn chứng nhức nhối: Tội phạm trẻ hóa; trường học bị bạo lực, bệnh giả dối và thậm chí cả tệ nạn xâm phạm; gia đình khủng hoảng các giá trị… Một nhà giáo về hưu đã xâu chuỗi tất cả vào một cụm từ đáng giật mình là: Con người đang hủy hoại lòng tin vào nhau và vào cuộc sống. Ai cũng phải ăn nhưng lại luôn phải nghi ngờ khi nhìn thực phẩm do đồng loại làm ra. Ngay cả với thức ăn tinh thần là văn thơ, có người làm thầy mà cũng năm lần bảy lượt đạo thơ người khác để kiếm danh. Có phải đấy là biểu hiện đến cùng của sự suy thoái về nhân cách? Ông nêu ví dụ: Ở Australia, trong các siêu thị, người ta không làm tủ để đồ. Còn ở Việt Nam chúng ta, các siêu thị không nơi nào thiếu tủ để đồ, phòng việc gian lận của khách hàng. Chúng ta có sung sướng không khi phải sống trong một bầu không khí mà đạo đức con người xuống cấp và luôn phải đề phòng nhau?
Tại hội nghị tổng kết Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII, ngành VH,TT&DL đã chỉ ra lý do của những hạn chế trong xây dựng con người thời gian qua. Với "nội hàm" văn hóa khá rộng nên 10 nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết bao quát cả vấn đề giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, khiến cho việc triển khai phải ôm đồm nhiều mục tiêu, nhiều vấn đề. Còn nhiệm vụ quan trọng là xây dựng, phát triển con người thì lại chưa được nhìn nhận toàn diện, chưa xác định được đầy đủ hệ giá trị của con người Việt Nam, sự vận động và biến đổi của nó. Đã xác định phẩm chất cốt lõi trong các phẩm chất của con người Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước nhưng chưa cụ thể hóa được để phù hợp với đòi hỏi của thời kỳ mới…".
Gia đình - cái nôi hình thành nhân cách con người. Ảnh: Khánh Vy |
Hệ giá trị nào trong thời kỳ mới?
Quan điểm về một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc được quán triệt với các giá trị truyền thống như lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…
Tuy nhiên, xã hội không ngừng biến đổi, những giá trị cốt lõi này phải được nhìn nhận, phân tích và áp dụng một cách phù hợp. Yêu nước trong những năm tháng chiến tranh là sẵn sàng hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc và sự bình yên cho Tổ quốc. Còn trong thời bình, yêu nước có phải đồng nghĩa với việc không ngừng học tập, cống hiến làm giàu cho văn hóa, cho kinh tế quốc gia. Yêu nước cũng phải bắt đầu từ việc trân trọng, bảo vệ và xây dựng gia đình của mình - một tế bào của xã hội sao cho lành mạnh và ngày một tốt đẹp hơn?
Ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, trao đổi với Hànộimới: Xây dựng hệ giá trị cho con người văn hóa thời kỳ này phải dựa trên cơ sở những giá trị của văn hóa làng xã - một bản sắc, một phát nguyên rất trong lành của văn hóa Việt. Và trên hành trình mà dòng khởi nguyên ấy trở thành dòng sông rồi đổ ra biển lớn, chúng ta phải không ngừng gạn đục, khơi trong để lưu giữ, tìm kiếm nhiều giá trị cho đến nay vẫn còn vô cùng có ích cho cuộc sống mới. Trong đó, có sự cố kết, quan tâm tới nhau, sống tình cảm gắn bó với cộng đồng để chống lại thói vô cảm đang ngày một phổ biến trong xã hội.
Về điều này, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh đã có một bài phát biểu chi tiết tại hội nghị về sự cần thiết phải có một hệ giá trị phù hợp để xây dựng con người. Trong đó, nhiều giá trị có tính hai mặt, vừa hạn chế vừa tích cực, đòi hỏi có sự phân tích, nhìn nhận thấu đáo.
Bộ VH,TT&DL cũng quyết định sẽ kiến nghị với Đảng và Nhà nước tập trung chỉ đạo việc xây dựng nhân cách, văn hóa con người Việt Nam, trong đó xác định rõ hệ giá trị Việt Nam của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngành cũng sẽ đề xuất TƯ phê duyệt thêm một đề án về xây dựng nhân cách văn hóa và hệ giá trị Việt Nam trong chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.