(HNMO) - Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai từ năm học 2020 – 2021. Theo đó, môn giáo dục thể chất (GDTC) cũng có sách giáo khoa dành cho học sinh như các môn học khác. Đây cũng là bộ môn bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12 cho thấy vai trò quan trọng của môn học này trong hệ thống giáo dục.
Hiểu đúng về bộ môn giáo dục thể chất
PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD-ĐT) chia sẻ, từ lâu nhiều người vẫn có quan điểm GDTC là bộ môn thể dục. Tuy nhiên, GDTC không chỉ là môn dạy học sinh xếp hàng, đội hình đội ngũ, mà còn là bộ môn chuyên biệt, dạy học vận động và phát triển có chủ đích các tố chất của con người. GDTC một yếu tố không thể thiếu trong các yếu tố: Đức, trí, thể, mĩ nhằm phát triển con người cân đối, toàn diện.
Khoa học cũng như thực tiễn cho thấy, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của con người bằng các bài tập thể chất, là biện pháp đơn giản, tích cực, ít tốn kém nhất, phù hợp với quy luật hoạt động tâm, sinh lý của cơ thể và lứa tuổi học sinh, giúp phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khỏe, làm đẹp hình thể, phát triển toàn diện thể lực.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn GDTC được chia thành hai giai đoạn, gồm: Giáo dục cơ bản nhằm hướng dẫn học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện thể thao; hình thành kỹ năng vận động cơ bản, phát triển tố chất thể lực. Giai đoạn này học sinh được lựa chọn nội dung hoạt động thể dục thể thao phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.
Còn giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn GDTC được thực hiện thông qua câu lạc bộ thể dục thể thao. Ngoài việc tiếp tục phát triển các kỹ năng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, những học sinh có năng khiếu thể thao có thể tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp cho mình.
Xóa bỏ tâm lý “môn phụ”
Có một thực tế, lâu nay bộ môn thể dục trong nhà trường thường chưa được chú trọng, vẫn còn mang tâm lý “môn phụ”. Theo cách cũ, chỉ mỗi thầy dạy trên lớp và các trường đều học một bài thể dục như nhau. Tuy nhiên, thực tế, nó lại là môn học rất quan trọng, là một trong 4 lĩnh vực cốt yếu: Đức, trí, thể, mỹ. Vì vậy, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, GDTC là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, thời lượng dành cho môn GDTC ở mỗi lớp là 70 tiết/năm học, được phân bổ cho các nội dung phù hợp với từng cấp học. Học sinh được học GDTC với phương pháp mới. Môn GDTC cũng sẽ tích hợp kiến thức một số môn học khác, một số bài hát, bản nhạc để tạo không khí vui tươi, hưng phấn trong tập luyện của học sinh.
Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được học đa dạng, các em được tự lựa chọn các môn học phù hợp với sức khỏe. Do đó, các em cần phải có sách để đọc.
Cô Phạm Thị Quỳnh Nga, giáo viên thể dục ở Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Lứa tuổi học sinh phổ thông là giai đoạn "vàng" về phát triển thể chất. Mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học sẽ có những nội dung học phù hợp với hệ cơ, xương, khớp, tâm lý và sinh lý của học sinh. Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới là hướng đến phát triển năng lực của học sinh, nên phải có tài liệu để các em tham khảo”.
PGS.TS Nguyễn Thanh Đề cho rằng, để công tác dạy học môn GDTC trong trường học đạt được mục tiêu của chương trình đề ra, cần phải có đội ngũ giáo viên môn GDTC được bồi dưỡng kiến thức thường xuyên, bên cạnh đó cơ sở vật chất phải được đáp ứng dù ở mức tối thiểu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.