Nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức và không được thu tiền học thêm, kể cả trường hợp học sinh tự nguyện đăng ký.
Sáng 6-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quy định cụ thể về vấn đề dạy thêm, học thêm
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 9 chương, 46 điều (giảm 4 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ tám). Việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chỉ quy định những nội dung, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đã được thực tiễn chứng minh tính ổn định; nội dung hướng dẫn chi tiết được cụ thể hóa trong các dự thảo nghị định, thông tư gửi kèm trong hồ sơ dự án Luật Nhà giáo.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Nhà giáo nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; quyền của nhà giáo được dạy thêm; quy định rõ hơn việc cấm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức, không được dạy thêm đối với học sinh mình trực tiếp giảng dạy.
Việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu của người học và người dạy; dự thảo Luật quy định cấm việc ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức (điểm c khoản 2 Điều 11). Việc tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm cần được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị chỉnh lý Điểm c, Khoản 2 Điều 11 theo hướng nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức và không được thu tiền học thêm, kể cả trường hợp học sinh tự nguyện đăng ký.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng. Việc học thêm là nhu cầu có thật của người học, tuy nhiên việc ép buộc học sinh phải học thêm là không phù hợp. Dự thảo Luật quy định việc cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quy định cụ thể về vấn đề dạy thêm, học thêm.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhà giáo không được trực tiếp hoặc gián tiếp kinh doanh một số lĩnh vực như kinh doanh trò chơi điện tử, phục vụ quán giải khát, bán bảo hiểm...; không được quảng cáo sai sự thật, quảng cáo hoạt động giáo dục trên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng về chất lượng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định nguyên tắc “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”; Điều 50 Bộ luật Dân sự quy định “quyền tự do kinh doanh của cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ”.
Những ngành nghề, lĩnh vực dịch vụ, hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh đã được quy định chi tiết, cụ thể bởi pháp luật chuyên ngành có liên quan. Việc quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa kiểm chứng thông tin là những hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo nên được điều chỉnh trong Luật Quảng cáo (hiện đang được trình Quốc hội thông qua). Do vậy, đề nghị không bổ sung quy định này trong dự thảo Luật.
Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; đề nghị rà soát nội dung quy định này để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Luật Viên chức quy định viên chức có quyền được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác (Khoản 3 Điều 14). Việc hạn chế này là phù hợp nhằm tránh xung đột lợi ích, lạm dụng nguồn lực nhà nước để trục lợi cá nhân.
Tuy nhiên, điều này dẫn tới một số vướng mắc, khó khăn trong việc chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học, giải pháp sáng chế… tạo ra bởi các cơ sở giáo dục đại học - nơi tập trung đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo có trình độ cao và là lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ.
Để tận dụng, tránh lãng phí nguồn lực trí tuệ và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, việc cho phép nhà giáo là viên chức trong các cơ sở giáo dục đại học được phép tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ là cần thiết.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để tháo gỡ hạn chế, bất cập trong thực tiễn, dự thảo Luật bổ sung tại Điểm b Khoản 2 Điều 8 quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập, hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Nội dung bổ sung này đã nhận được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp lần thứ 42 (tháng 2-2025), của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7 (tháng 3-2025) và của Chính phủ; đồng thời, phù hợp với Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19-2-2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Quy định này không tạo ra mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, vì tại Khoản 3 Điều 14 Luật Viên chức đã loại trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Luật Nhà giáo là luật chuyên ngành điều chỉnh đối tượng nhà giáo; do vậy, không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật bổ sung tại Điểm b Khoản 2 Điều 8 quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập, hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Nội dung này phù hợp với Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19-2-2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong khi đó, có ý kiến đề nghị quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo phù hợp với chủ trương và lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Về vấn đề này, dự thảo Luật quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 91-KL/TƯ ngày 12-8-2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; không quy định tăng 1 bậc lương khởi điểm đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.