Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xã vắng… đàn ông

Đức Hải| 27/02/2016 08:33

(HNM) - Có một vùng quê Hà Nội, từ nhiều năm nay chỉ mấy ngày tết Nguyên đán mới có

Đàn ông xa nhà nên mọi việc đều do phụ nữ Thạch Đà gánh vác. Ảnh: Tuấn Điệp


Nước mắt nuốt vào trong…

Đến xã Thạch Đà ngay sau rằm tháng Giêng, không như nhiều vùng quê khác ở Hà Nội hừng hực không khí "tháng Giêng là tháng ăn chơi", đầy ắp lễ hội, đất này thật bình lặng. Đường làng, ngõ xóm thưa người qua lại. Các quán "cóc" đầu làng, đầu xóm tịnh không thấy bóng đàn ông, con trai, chỉ các bà, các chị ngồi râm ran chuyện.

Đem sự lạ trên hỏi, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đà Nguyễn Hữu Lâm bật cười: "Các anh chưa biết nhiều về Thạch Đà quê tôi rồi. Quê tôi chỉ đông vui vào những ngày Tết, còn ra Giêng lần lượt từng tốp thợ lại lên đường, tỏa đi khắp các tỉnh, thành, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc. Có những tốp thợ mồng 4 tháng Giêng đã phải lên đường, tốp nào chậm nhất là sau rằm tháng Giêng".

Theo ông Lâm, ở xã Thạch Đà, hầu hết cánh mày râu trong tuổi lao động, có sức khỏe đều theo nghề xây dựng và gần như gia đình nào cũng có người làm nghề này. Bởi vậy, sau rằm tháng Giêng tại Thạch Đà hầu như chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em. Theo đuổi nghề xây dựng, các cánh thợ trong làng, trong xã phải chấp nhận xa nhà quanh năm, suốt tháng, nếu không có "công to, việc lớn" như việc hiếu, việc hỷ, thì 2-3 tháng, thậm chí nửa năm mới về thăm nhà một vài ngày, rồi lại nhanh chóng lên đường vì công việc. Vì vậy, mọi việc đồng áng, nhà cửa, gia đình, "đối nội, đối ngoại" đều dồn hết lên vai những người phụ nữ.

Chị Lưu Thị Hạnh, ở Xóm 7, Thôn 1, xã Thạch Đà, cán bộ dân số của xã, nói với chúng tôi: "Đàn ông, con trai bên gia đình chồng tôi đều làm nghề xây dựng và phải xa nhà quanh năm. Bốn năm trước, trong một lần về thăm nhà rồi trở lại công trường ở miền núi, từ quốc lộ vào không có xe khách nên chồng tôi và 3 người thân phải bắt xe tải. Thật không may chuyến xe đó gặp chuyện chẳng lành nên chồng tôi đã vĩnh viễn ra đi, để lại cho tôi đứa con thơ.

Là người phụ nữ, nhất là người vợ trẻ, tôi cũng như các chị em khác đều mong mỏi ngày ngày có chồng ở bên cạnh để động viên, chia sẻ. Nhưng vì mưu sinh, nên tôi và nhiều chị em khác trong làng, trong xã đành phải chấp nhận tất cả. Tuy gia đình không làm ruộng, nhưng tôi biết, nhiều chị em trong xã có chồng đi làm xa nhà biền biệt, mọi công việc từ đồng áng, cấy cày đến chăm lo con cái, thu vén gia đình đều đến tay các chị. Nhiều lúc cực quá, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Sợ các con và gia đình nhà chồng thấy".

Cách Nhà văn hóa Thôn 4 một quãng đường là ngôi nhà kiên cố 3 tầng, khang trang, rộng rãi của vợ chồng chị Lê Thị Hương. Cũng như hầu hết gia đình trong thôn, chồng chị Hương làm nghề xây dựng, vài tháng mới về thăm bố mẹ, vợ con một lần. Chị Hương cho biết: Ngôi nhà to đẹp hôm nay là thành quả chắt chiu của 2 vợ chồng. Hơn 20 năm làm dâu, làm vợ, là từng ấy năm chồng chị phải đi làm xây dựng xa nhà. Mọi việc nhà đều đổ dồn lên vai chị.

Theo dự báo, trong 5 năm tới, số lao động ở khu vực nông thôn cả nước tăng thêm 5 triệu người, cùng với khoảng 2,5 triệu người mất việc do đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích trong quá trình đô thị hóa và CNH, HĐH; cộng với số lao động quy đổi do chưa sử dụng hết thời gian lao động, cả nước có tới 12,3 triệu người cần việc làm.

Như vậy, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn vốn là vấn đề xã hội bức xúc, trong 5 năm tới lại trở nên bức xúc hơn. Vấn đề này nếu không được giải quyết tốt sẽ cản trở sự phát triển KT-XH của đất nước, tác động trực tiếp đến việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.


Từ phụng dưỡng bố mẹ chồng già yếu, nuôi dạy 2 con, cấy mấy sào ruộng, chăn nuôi lợn, gà … Tất tật chị đều quán xuyến. Bây giờ, khi các con chị đã lớn, lúc nông nhàn, chị Hương mới có thời gian chạy chợ, bán thịt lợn kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Chị tâm sự: "Khi hai cháu còn thơ dại, bố mẹ già yếu, những lúc trái gió, trở trời rất cần có chồng ở bên cạnh đỡ đần, chia sẻ. Nhưng vì cuộc sống nên hai vợ chồng động viên nhau, mỗi người gắng lên một chút".

Chị Nguyễn Thị Yến, Trưởng ban Công tác Mặt trận Thôn 4 cũng có chồng làm nghề xây dựng, nhưng vì anh là chủ thầu nên có điều kiện về thăm nhà thường xuyên hơn. Chị Yến cho biết: "Đúng là "vắng đàn ông thì quạnh nhà"! Có người đàn ông ở nhà sẽ bớt đi gánh nặng đè lên vai chị em chúng tôi. Đặc biệt là việc nuôi dạy con cái sẽ được chu đáo hơn là khi chỉ có một mình người vợ".

…nhưng không "mất" tất cả

Không thể nói hết những vất vả của những gia đình ở Thạch Đà có người thân là đàn ông, con trai làm nghề xây dựng xa nhà lâu ngày… Song có thể nói, bù lại những vất vả đó là đời sống kinh tế của các gia đình ở đây ngày càng khấm khá hơn, nhiều ngôi nhà mới kiên cố, khang trang được xây dựng, đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông kiên cố, sạch đẹp…

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đà Nguyễn Hữu Lâm cho biết: "Xã Thạch Đà có 2.500 hộ với hơn 14.080 nhân khẩu, hiện nay thu nhập bình quân đạt gần 33 triệu đồng/người/năm; cuối năm 2015, số hộ nghèo trên địa bàn xã là 65 hộ. Có thể khẳng định, với nghề xây dựng, cộng thêm sự chịu thương, chịu khó của nhân dân trong việc bám nghề nên thu nhập của các gia đình trên địa bàn xã được nâng lên, cuộc sống ngày càng sung túc, đủ đầy hơn. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển; làng quê khởi sắc, khang trang, sạch đẹp".

Đến nay, xã Thạch Đà đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới ở Thạch Đà nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, ai cũng hồ hởi chung tay, góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương, nhất là xây dựng giao thông nông thôn. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất làm đường như ông Nguyễn Hữu Tâm ở Thôn 4, đã hiến 60m2 đất thổ cư của gia đình để mở rộng đường. Có thu nhập từ nghề xây dựng nên nhiều gia đình ở Thạch Đà có kinh tế khá giả, tự nguyện góp công, góp của vào xây dựng nông thôn mới.

Trưởng thôn 4 Nguyễn Văn Hà cho biết, có doanh nghiệp trong thôn ứng hơn 3 tỷ đồng để làm đường; bên cạnh đó, còn rất nhiều hộ tự nguyện đóng góp hàng triệu đồng để làm đường. Theo ông Nguyễn Hữu Lâm, tuy phần lớn đàn ông, con trai ở Thạch Đà đi làm ăn xa nhà, nhưng an ninh trật tự ở địa phương vẫn được bảo đảm, trong xã không xảy ra tình trạng trộm, cắp hay tệ nạn xã hội.

Ở ngoại thành Hà Nội nhiều xã có người đi làm ăn xa. Nhiều người cho rằng, khi thiếu nhân lực, nhất là nam giới đang độ tuổi lao động, sẽ khó triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhưng với những gì chúng tôi thấy ở Thạch Đà có thể rất khác. Cũng như ở nhiều làng quê trên dải đất hình chữ S này, nhiều người con phải "ly hương" để kiếm sống, bởi ở làng đất chật, người đông, không có nghề phụ. Cũng đến lúc cần phải có cách nhìn về việc chuyển dịch cơ cấu lao động.

Đến với Thạch Đà những ngày sau Tết không có gì lạ khi chứng kiến cảnh đường làng, ngõ xóm thiếu vắng đàn ông, con trai, kể cũng buồn, nhưng lại thấy mừng bởi nỗi người Thạch Đà thật chịu khó, chấp nhận hy sinh, vất vả, giữ nghề mưu sinh, làm giàu cho gia đình, cho quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã vắng… đàn ông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.