Những ngày qua, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức ồn ào chuyện Hợp tác xã Nông nghiệp Tuy Lai cắm biển nợ tại ruộng của xã viên, không cho máy gặt gặt lúa khi đã đến kỳ thu hoạch. Đến nay, lúa của bà con đã được gặt xong, cơ quan công an cũng đang vào cuộc để làm rõ thực hư việc hợp tác xã ép xã viên trả nợ bằng việc gây khó, không phục vụ dịch vụ gặt máy…
Có chuyện cắm biển “hộ nợ”
Tính đến ngày 23-9, xã Tuy Lai đã hoàn thành việc gặt lúa mùa. Toàn bộ xã viên đều được sử dụng dịch vụ gặt máy, không hộ nào phải gặt thủ công dù trước đó 18 hộ ở thôn Giữa Quýt 2 bị cắm biển “Hộ nợ, hợp tác xã nông nghiệp không phục vụ dịch vụ máy gặt”.
Là một trong những hộ thuộc diện “hộ nợ”, bà Nguyễn Thị Lanh, thôn Giữa Quýt 2 cho biết: Gia đình bà nợ các khoản dịch vụ của hợp tác xã từ nhiệm kỳ trước là 500kg thóc, do khó khăn nên chưa thanh toán được. Trước khi bị cắm biển “hộ nợ”, đại diện hợp tác xã đã đến gia đình đôn đốc thu nợ, nhưng gia đình chưa thanh toán được. Sau khi người dân có ý kiến, hợp tác xã đã tổ chức gặt cho gia đình bà.
Còn ông Hoàng Văn Hưởng, cùng ở thôn Giữa Quýt 2 cho hay, theo thông báo của hợp tác xã, gia đình ông đang nợ 1.104,7kg thóc. Cũng như nhiều gia đình khác, ông không đóng tiền dịch vụ kể từ khi Chính phủ quy định miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân. Việc hợp tác xã thu dịch vụ theo nghị quyết đại hội đại biểu xã viên, ông Hưởng không biết vì chưa được ký bất cứ hợp đồng dịch vụ nào.
Về gốc tích của biển “hộ nợ” này, Chủ tịch UBND xã Tuy Lai Bùi Văn Quyền giải thích: Thôn Giữa Quýt 2 còn 18 hộ nợ đọng các khoản dịch vụ với Hợp tác xã nông nghiệp Tuy Lai. Trước khi tổ chức gặt vụ mùa năm 2023, hợp tác xã đã viết giấy mời những hộ còn nợ đọng dịch vụ đến nhà văn hóa thôn làm việc, nhưng các hộ không đến... Do vậy, hợp tác xã thống nhất cùng lãnh đạo thôn Giữa Quýt 2 cắm biển “hộ nợ” tại ruộng từ ngày 9-9 với mục đích không phục vụ dịch vụ gặt máy, nhưng không ngăn cấm người dân tự thuê máy gặt.
Giải thích thêm việc thu tiền dịch vụ thủy lợi nội đồng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tuy Lai Đinh Văn Hùng cho biết, theo Quyết định số 36/2013/QĐ-UBND ngày 10-9-2013 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định, phạm vi miễn thủy lợi phí được tính từ vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước đến công trình đầu mối của công trình thủy lợi (Điều 8, Quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 36/2013/QĐ-UBND ngày 10-9-2013).
Như vậy, phần miễn phí thủy lợi chỉ là phần Công ty TNHH Một thành viên đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy bơm vào các kênh dẫn nước chính. Khi về đến công trình thủy lợi địa phương, hợp tác xã phải vận hành để đưa nước về các cánh đồng và chi phí này được lấy từ nguồn các hộ nộp dịch vụ thủy lợi nội đồng.
“Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, phải chịu trách nhiệm về các hoạt động thu chi và thu chi dựa trên Nghị quyết của Đại hội đại biểu xã viên; các khoản thu không nằm ngoài Nghị quyết. Việc ký hợp đồng dịch vụ đến các hộ xã viên từ trước đến nay hợp tác xã không thực hiện bằng văn bản, mà tất cả đều được thống nhất tại cuộc họp ở các thôn và tại Đại hội đại biểu xã viên”, ông Đinh Văn Hùng cho biết.
Cần minh bạch thông tin
Ngay sau khi nhận được thông tin hợp tác xã cắm biển “hộ nợ” tại ruộng của xã viên, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Tuy Lai đã chỉ đạo Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Tuy Lai vẫn tổ chức gặt máy cho 18 hộ còn đang nợ đọng dịch vụ của hợp tác xã. Đồng thời, thông báo trên Đài Truyền thanh của xã về việc hợp tác xã vẫn tạo điều kiện phục vụ các dịch vụ cho các hộ dân sản xuất, canh tác, trên cơ sở các hộ phải hoàn thành nghĩa vụ đóng góp tiền dịch vụ mà toàn thể xã viên đang thực hiện.
Nói về các khoản nợ của 18 hộ, ông Đinh Văn Hùng diễn giải, hộ xã viên phải nộp 4 khoản dịch vụ, gồm: Dịch vụ thủy lợi nội đồng, dịch vụ bảo vệ đồng điền, dịch vụ khuyến nông dự thính, dự báo và kiến thiết đồng ruộng. Trong đó, dịch vụ thủy lợi nội đồng tổng hai vụ lúa/năm là 4kg thóc/sào x 6.500 đồng/kg là 26.000 đồng (Theo Quyết định số 36/2023/QĐ-UBND ngày 10-9-2013 của UBND thành phố Hà Nội cho phép thu 36.000 đồng/sào/năm).
Mức thu này đều đã được hộ xã viên thảo luận, thông qua tại hội nghị ở 100% các thôn (14 thôn). Sau đó, hợp tác xã trình phương án thu tại Đại hội đại biểu Hợp tác xã nông nghiệp Tuy Lai lần thứ sáu (ngày 22-10-2020) và đã được đại hội thông qua.
Với vụ mùa này, từ ngày 7 đến 12-9, Hội đồng quản trị Hơp tác xã nông nghiệp Tuy Lai đã bàn thảo với Công an xã phương án bảo đảm an ninh trật tự khi tổ chức máy gặt cho bà con; hợp tác xã ký hợp đồng với các chủ máy gặt mức giá 115.000 đồng/sào. Trong đó, chủ máy gặt trích lại 10.000 đồng/sào cho Hợp tác xã nông nghiệp Tuy Lai.
“Việc trích lại 10.000 đồng/sào là nhằm phục vụ cho việc bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, dẫn thửa... khi máy gặt gặt cho bà con. Khoản tiền này tôi không bị ép buộc”, ông Đinh Văn Đề, chủ máy gặt tại cánh đồng của người dân thôn Giữa Quýt 2 cho biết.
Theo tìm hiểu được biết, trước kia, khi hợp tác xã không thực hiện dịch vụ thuê máy gặt về cho bà con đã xảy ra tình trạng chủ máy gặt ép giá với mức 150.000-170.000 đồng/sào. Ngoài ra, còn hiện tượng các chủ máy gặt tranh vùng, tranh thửa, gây mất an ninh trật tự... Nay, khi có hợp tác xã thực hiện dịch vụ máy gặt, hiện tượng trên không còn.
Hiện nay, Công an huyện Mỹ Đức đang vào cuộc, chuyện ép trả nợ, ai đúng, ai sai sẽ được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, việc cắm biển nợ tại ruộng cần được Hợp tác xã Nông nghiệp Tuy Lai rút kinh nghiệm sâu sắc. Đồng thời, mọi thỏa thuận về các khoản thu, chi cần được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch để giải tỏa những thắc mắc của bà con.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.