(HNM) - Thủ đô Hà Nội mỗi
Chúng tôi đã về thôn Tân Thịnh nơi có 11 hộ dân tự nguyện hiến trên 700m2 đất ông cha để lại và hàng trăm ngày công để chỉnh trang nông thôn.
Ông Đặng Văn Trung, thôn Tân Thịnh cho biết: Để hiến đất làm đường, gia đình tôi đã chặt bỏ hơn 10 gốc bưởi Diễn lâu năm với hàng nghìn quả. Tiếc thật đấy nhưng tất cả vì quê hương giàu đẹp. Còn bà vợ ông Trung bộc bạch: "Vừa rồi huyện tổ chức đấu giá khu đất ở đầu thôn, giá thấp nhất cũng là 17 triệu đồng, cao nhất 25 triệu đồng, chúng tôi biết giá trị của đất lắm, nhưng nếu chỉ vì lợi ích trước mắt thì thôn xóm không thể khang trang, con cháu đời sau sẽ khổ, vì vậy chúng tôi bảo nhau hiến đất làm đường… Hai chị em bà Tạ Thị Thái và Nguyễn Thị Tình là những người góp đất với diện tích lớn nhất (214m2). Bà Thái cho biết, "bỏ ra ngần đó đất, nếu tính theo giá thị trường thì số tiền thu này đối với người dân là quá lớn, nhưng vì cái chung, gia đình tôi tự nguyện giao đất. Mình thiệt một tý, nhưng có đường mới sạch đẹp để đi lại, buôn bán là kinh tế sẽ phát triển, xã mới sớm trở thành nông thôn mới". Không riêng gì gia đình bà Thái, bà Tình, gia đình ông Đặng Văn Quy cũng sẵn sàng tháo dỡ 7 gian công trình phụ, trong đó có một hầm biôga vừa xây dựng để hiến đất làm đường.
Bí thư Đảng ủy xã Thượng Mỗ Đặng Văn Hùng cho biết: Hiện xã Thượng Mỗ đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), phấn đấu hoàn thành trước năm 2015. Xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng không thể chỉ chính quyền làm mà sự hưởng ứng đồng thuận của nhân dân mới là yếu tố quyết định; vì vậy, chúng tôi coi việc vận động nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu và đang nhân thành phong trào. Để kịp thời động viên người dân, Đảng ủy, UBND xã đã thống nhất cho lập dự toán thiết kế đoạn đường vào thôn Tân Thịnh với kinh phí trên 1 tỷ đồng, sẽ được khởi công vào trung tuần tháng 9 này. Ngoài thôn Tân Thịnh, thôn Trung Thành cũng vừa có hơn 20 hộ dân tự nguyện hiến đất, giải tỏa hành lang, tường rào, cây cối… ủng hộ chính quyền nắn chỉnh đường giao thông, phá các "nút cổ chai". Tại thôn 5 có hai hộ dân hiến đất ruộng làm nhà văn hóa thôn và hai hộ hiến đất mở rộng đường ra nhà văn hóa… Việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng được BCĐ xã vận dụng theo phương châm: dân đóng góp, Nhà nước hỗ trợ và người hưởng lợi chính là nhân dân.
Trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều nơi kiện cáo nhau vì đất, nay ở Thượng Mỗ không chỉ một hộ mà nhiều hộ sẵn sàng hiến đất để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm thực sự là những tấm lòng vàng đáng trân trọng. Ông Nguyễn Tự Cấp, Phó Bí thư Huyện ủy Đan Phượng nhận định, từ một xóm hiến đất, đã lan tỏa ra nhiều xóm khác, thôn khác trong xã. Đâu cần chỉnh trang, uốn nắn đường ngõ là ở đó người dân sẵn sàng. Ông Cấp cũng khẳng định, từ điển hình này, huyện sẽ nhân rộng ra nhiều xã khác. Coi đây là động lực quan trọng để huyện phát triển giao thông nông thôn và xã hội hóa phong trào xây dựng NTM.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.