(HNM) - Nghiêm Xuyên là xã thuần nông, thuộc vùng đất trũng của huyện Thường Tín. Đời sống người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào đồng ruộng nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên 1ha canh tác là vấn đề quan trọng. Ngay từ năm 2008, xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa (DĐĐT) nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa quy mô, hiệu quả kinh tế cao.
Nghiêm Xuyên có 3 thôn với diện tích đất canh tác khoảng 450 ha, là vùng trũng nhất của huyện Thường Tín, việc thâm canh cây trồng tạo năng suất cao gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo xã sớm xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở hướng phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng trũng, bố trí sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao và trồng rau màu ở vùng cao là hướng đi phù hợp. Năm 2008, Nghiêm Xuyên triển khai thành công DĐĐT ở 4 cụm thôn Nghiêm Xá và 2 cụm thôn Liễu Viên. Theo đó số thửa từ 10-13 thửa/hộ giảm xuống còn 1-2 thửa/hộ, tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất tập trung và các mô hình VAC đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao.
Ông Trịnh Văn Tam (thôn Cống Xuyên) cho biết, trước kia gia đình ông có 13 thửa ruộng, sau DĐĐT chỉ còn lại một thửa có diện tích 4ha (có diện tích thuê thêm) và mở trang trại nuôi cá, vịt cho thu nhập từ 180-200 triệu đồng/ha. Gia đình ông từ đó thoát nghèo, không còn lo bỏ ruộng khi mùa mưa úng ngập như trước và vất vả khi vào vụ thu hoạch lúa mà hiệu quả kinh tế lại không cao.
Theo Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên Hoàng Văn Thanh, trong đợt DĐĐT lần thứ nhất, Nghiêm Xuyên đã chuyển đổi 90ha đất canh tác sang nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa, cá, vịt cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha. Tuy đã thực hiện DĐĐT lần một xong, toàn xã vẫn còn 4 cụm của thôn Cống Xuyên chưa hoàn thành DĐĐT do trước đây nằm trong quy hoạch khu công nghiệp Phụng Hiệp và cụm 9 thôn Liễu Viên tuy đã chuyển đổi song vẫn còn manh mún. Tổng số hộ chưa DĐĐT là 743 trong đó bình quân mỗi gia đình vẫn còn 7, 8 thửa. Bên cạnh đó, việc quy hoạch đồng ruộng, giao thông, thủy lợi nội đồng chưa đồng bộ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác DĐĐT.
Năm 2011, hưởng ứng Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân" và kế hoạch DĐĐT của UBND huyện Thường Tín, Nghiêm Xuyên tiếp tục DĐĐT lần hai với quyết tâm hoàn thành trên toàn xã. Ông Hoàng Văn Thanh cho biết thêm, xã đã lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc và các tiểu ban, phân công trách nhiệm cho từng thành viên để triển khai công việc. Tính đến nay các chi bộ đã tổ chức 15 hội nghị, xã tổ chức 3 hội nghị dân quân chính, 5 cụm dân cư tổ chức 12 hội nghị họp dân. Trong quá trình thực hiện, mặc dù gặp khó khăn về kinh phí, Nghiêm Xuyên lại có được sự đồng thuận và ủng hộ của nhiều hộ gia đình.
Trong tháng 9-2012, Nghiêm Xuyên đã điều tra đánh giá hiện trạng sử dụng đất. Đến hết tháng 10, các cụm dân cư xây dựng xong phương án, giải quyết vướng mắc và họp dân. Trong tháng 11, xã đã tiến hành cho các hộ dân bốc thăm trên sơ đồ và triển khai giao ruộng ngoài thực địa. UBND xã đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành DĐĐT trước ngày 25-12 và đầu năm 2013 sẽ hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ. Sau khi hoàn thành DĐĐT mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa, với diện tích từ 1,5-6ha. Toàn xã có 4,3ha đất thừa ra sau khi DĐĐT được quy hoạch làm đường giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi… Dự kiến trong năm 2013, Nghiêm Xuyên sẽ chuyển đổi 160ha sang nuôi trồng thủy sản. Phần diện tích còn lại quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Lưu Văn Phúc cho rằng, việc quy hoạch sử dụng đất, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp trong đó chuyển hướng phát triển chăn nuôi thủy sản là yếu tố quyết định để Nghiêm Xuyên tăng nhanh giá trị thu nhập cho người dân. Trong thời gian 4 tháng, Nghiêm Xuyên đã hoàn thành DĐĐT trên toàn xã là một thành công lớn. Đây là tiền đề quan trọng để xã thực hiện 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.