Phản ánh lên Đường dây nóng Báo Hànộimới, người dân thôn 2, xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) cho biết: Từ năm 2005 trở lại đây, tại xứ đồng Lầu, xã Lại Yên, bắt đầu xuất hiện những trường hợp đổ đất, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang xây lều lán, chuồng trại để chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ.
Mới đây, một số thửa ruộng tại đồng Lầu tiếp tục bị người dân đổ rất nhiều đất, tạo mặt phẳng để kinh doanh vật liệu xây dựng, tập kết phương tiện vận tải nhưng không bị chính quyền xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.
Lần theo phản ánh của người dân, ngày 25-12, phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại đồng Lầu, thuộc địa bàn xã Lại Yên và ghi nhận, phản ánh của người dân là có cơ sở. Theo quan sát, từ đầu đường đồng Lầu (đối diện nghĩa trang nhân dân xã Lại Yên), đã có nhiều hộ đổ đất san lấp đất nông nghiệp, làm lán tôn, nhà tạm để kinh doanh ăn uống, sản xuất đồ mộc, tập kết phế liệu, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải…
Đơn cử như quán lẩu lòng bò Nhất Quán; lẩu lòng bò Bằng Tiến; đá ốp lát Cường Nhinh; cửa hàng dịch vụ cho thuê xe cẩu 3,5-50 tấn của Công ty TNHH thương mại cẩu và vận tải Huy Trường; nhà hàng Hoa Sữa Lại Yên; cửa hàng vật liệu xây dựng Nhung Xoan…
Cũng tại xứ đồng Lầu, theo quan sát, một số bãi đất đang được người dân tiếp tục đổ nhiều phế thải xây dựng, đất thải với mục đích san lấp, tạo mặt bằng. Điển hình là tại khu đất nông nghiệp trũng tiếp giáp với khu đất đã san lấp trước đó để tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng của cửa hàng vật liệu xây dựng Nhung Xoan. Quan sát từ phía trong đồng Lầu, khu vực đang được san lấp rộng cả nghìn mét vuông, có dấu hiệu của việc dùng máy móc gạt đất bùn hữu cơ trước khi đổ phế thải xây dựng, đất thải xuống.
Một người dân thôn 2, xã Lại Yên (xin giấu tên) có ruộng canh tác giáp đồng Lầu cho hay: Khoảng từ tháng 11-2023, việc san gạt khu đất trên đã được tiến hành. Hằng ngày, nhiều xe tải chở đất thải, phế thải xây dựng lớn, nhỏ đổ về đây. “Thời gian đầu, người dân thôn 2 nghĩ khu vực này đã được quy hoạch triển khai dự án nào đó. Nhưng sau khi xác minh lại mới biết đây thực chất là đổ trộm phế thải, đất thải nhằm tạo mặt bằng”, người dân giấu tên cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Yên Nguyễn Đình Huyên thừa nhận, phản ánh của người dân về vi phạm tại đồng Lầu là đúng và cho biết: Theo tổng hợp, tại đồng Lầu, hiện có 9 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp (được Nhà nước giao cho các hộ gia đình/cá nhân theo Nghị định số 64/NĐ-CP của Chính phủ) sang kinh doanh, dịch vụ và mục đích khác với tổng diện tích gần 3.000m2. Vi phạm xảy ra chủ yếu từ năm 2005 đến năm 2013.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Huyên, mới đây, có hai hộ ông N.T.X và ông P.Đ.H, ở thôn 2, có hành vi dựng lán tôn trên đất nông nghiệp tại đồng Lầu với tổng diện tích gần 300m2. Căn cứ biên bản kiểm tra công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp, ngày 30-11-2023, UBND xã Lại Yên đã ra thông báo gửi tới hai hộ yêu cầu tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Đến ngày 25-12, hai công trình kể trên đã được hai hộ tự giác tháo dỡ phần mái tôn, vì kèo… UBND xã Lại Yên tiếp tục đôn đốc các hộ tháo dỡ phần vi phạm còn lại.
“Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hoài Đức, toàn bộ vi phạm cũ tại đồng Lầu đã được UBND xã Lại Yên lập biên bản, chụp ảnh hiện trạng, trên cơ sở đó báo cáo UBND huyện xây dựng kế hoạch để xử lý theo lộ trình. Đối với những vi phạm mới phát sinh, kể cả sửa chữa, cơi nới, UBND xã sẽ kiên quyết xử lý theo quy định. Riêng trường hợp đổ đất, xã đang giao lực lượng chức năng điều tra, xác minh đối tượng đổ, phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm, tránh dư luận không tốt”, ông Nguyễn Đình Huyên nhấn mạnh.
Rõ ràng, vi phạm đất đai tại đồng Lầu, xã Lại Yên diễn ra khá lâu, nhưng không được xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận. Để tránh trở thành “vết dầu loang”, đề nghị xã Lại Yên sớm có kế hoạch và rốt ráo xử lý vi phạm tại đồng Lầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.