(HNMO) - Ngày 29-9, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã quyết định mở 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình vào 8h sáng mai (30-9). Thành phố Hà Nội và các tỉnh vùng hạ du đề phòng nguy cơ xảy ra úng ngập, triển khai giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân...
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, 11h ngày 29-9, mực nước hồ thủy điện Sơn La đã đạt cao trình 215,67m (vượt mức cho phép tích nước 0,67m); trong khi lưu lượng đổ về hồ là 3.320m³/s, lưu lượng xả qua chạy máy phát điện là 2.614m³/s. Mực nước tại hồ thủy điện Hòa Bình đạt 116,69m (cách mực nước được phép tích trữ 0,31m); trong khi lưu lượng đổ về hồ là 3.313m³/s, lưu lượng xả qua chạy máy phát điện là 2.173m³/s. Mực nước hồ thủy điện Thác Bà đạt cao trình 57,89m (cách mực nước được phép tích trữ 0,11m); lưu lượng đổ về hồ là 547m³/s, lưu lượng xả qua chạy máy phát điện là 408m³/s...
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ ngày 30-9 đến 3-10, vùng núi các tỉnh phía Bắc xảy ra mưa rào và dông rải rác; có nơi xảy ra mưa vừa, mưa to. Từ ngày 4 đến 5-10, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt... Dự báo, dòng chảy lớn nhất đổ về các hồ chứa từ ngày 29-9 đến 3-10 tại hồ Sơn La là 4.000m³/s, Hòa Bình 3.500m³/s, Thác Bà 800m³/s...
Để bảo đảm an toàn công trình hồ chứa và vùng hạ du, tránh cấp tập mở cửa xả tương tự năm 2017, ngày 29-9, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai có Công điện yêu cầu giám đốc các công ty thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà mở 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào hồi 8h ngày 30-9; đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, hiện trạng công trình, kịp thời báo cáo cơ quan liên quan để quyết định điều hành trong thời gian tới phù hợp tình hình thực tế...
Cùng ngày, Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng... thông báo tới các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác cát sỏi... được biết về thông tin xả lũ hồ thủy điện để chủ động biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Các tỉnh, thành phố rà soát phương án phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn cho hạ du, đặc biệt là các vị trí đê điều trọng điểm, khu tập trung dân cư ở bãi sông, sẵn sàng ứng phó các tình huống do xả lũ gây ra...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.