(HNM) - Hội thảo sáng tác mỹ thuật về đề tài lịch sử diễn ra ngày 19-12 tại Hà Nội có thể xem như một cái nhìn sâu về việc khai thác đề tài quan trọng này qua ngôn ngữ thị giác, ngôn ngữ không gian đặc thù của mỹ thuật.
Cũng như điện ảnh, văn học... và nhiều loại hình nghệ thuật khác, mỹ thuật thiếu những tư liệu làm căn cứ sáng tạo. Tuy nhiên, thách thức ấy cũng là một động lực khám phá đối với người nghệ sĩ.
Một trích đoạn trong tác phẩm Hà Nội - Chiến lũy và hoa do họa sĩ trẻ Nguyễn Doãn Sơn thể hiện qua tác phẩm mỹ thuật. |
1. Thách thức
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: Tranh dân gian ta xưa từ Đông Hồ đến Hàng Trống đều thể hiện đề tài lịch sử với hàng loạt nhân vật anh hùng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Vương Quyền, Trần Hưng Đạo... Từ đầu thế kỷ XX, khi nghệ thuật tạo hình hiện đại vào Việt Nam, nhiều họa sĩ cũng sáng tác tranh, tượng đài về đề tài này, tái hiện chân dung nhiều danh nhân các thời kỳ như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Lợi… và đặc biệt là về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chưa kể nhiều trận đánh lớn trong lịch sử chống ngoại xâm, cách mạng, kháng chiến cũng đã bước vào mỹ thuật. Hiện, đã có hơn 400 tượng đài về các danh nhân, lãnh tụ, về kháng chiến được xây dựng trên cả nước.
Tuy nhiên, cũng theo họa sĩ Trần Khánh Chương, các tác phẩm mỹ thuật, (trừ tranh truyện, phù điêu) chỉ ghi nhận một khoảnh khắc lịch sử tiêu biểu chứ ít có khả năng nói về một giai đoạn lịch sử. Mỹ thuật cũng chưa đạt tới việc tái tạo lịch sử mà chỉ mượn cớ để sáng tác nhân vật qua lăng kính tác giả.
Thực tế này có những lý do khách quan và cả chủ quan, như các nhà phê bình chia sẻ: ở phương Tây có những họa sĩ chuyên vẽ về đề tài lịch sử, nhưng Việt Nam thì một họa sĩ cùng lúc vẽ nhiều thể loại. Và lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam chưa có thể loại tranh lịch sử, chưa có cơ sở đào tạo thể loại này, nhất là chưa hội đủ tư liệu lịch sử (vốn sống, vốn hiểu biết, vốn nghệ thuật về lịch sử cổ đại). Rồi ngay cả Truyện tranh Việt cũng như truyện tranh về đề tài lịch sử của ta chưa có phong cách, thiếu tính dài hơi. Đề tài chủ yếu xoay quanh chuyện cổ, lịch sử, danh nhân... Cũng chưa thấy có những hoạt động nhóm, chuyên nghiệp.
2. Lại vấp phải vấn đề tư liệu
Không chỉ mỹ thuật, nhiều loại hình VHNT khác như văn học, điện ảnh... cũng vấp phải khó khăn vì thiếu tư liệu lịch sử. Nhà văn, nhà viết kịch, đạo diễn, họa sĩ... nói chung phải vất vả lục tìm trong sử sách, trong ký ức nhân chứng, trong kết nối vốn sống, hiểu biết của mình để sáng tạo. Có lúc thành công, có lúc bị phê phán... nhưng khao khát tìm kiếm, giải mã lịch sử bằng nghệ thuật là có thật và luôn nung nấu với nghệ sĩ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi lịch sử hiện thực đất nước đặt ra cho văn nghệ sĩ nhiều chất vấn.
Mỹ thuật đối diện và vượt lên sự nghèo nàn về tư liệu lịch sử như thế nào để sáng tác?
Ý kiến của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Văn Chiến là "Đối với chân dung nhân vật lịch sử, "cái giống" cho gương mặt, hình dáng rất cần. Song trong sáng tác "cái giống" chưa đủ, nó chỉ là một yếu tố. Những nhân vật từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước thì làm sao có hình ảnh. Không có thì dựa vào các tư liệu liên quan. Như thế nghệ sĩ phải nhập tâm để hình dung, tìm mẫu. Đó là cách giải thoát của các danh họa để thực hiện các tranh lịch sử.". Vì vậy, mới có chuyện như nhà phê bình Lê Quốc Bảo chia sẻ, khi còn nhỏ ông được xem bức tranh "Hai Bà Trưng đội khăn vành dây" cưỡi voi ra trận. Được biết khăn vành dây Nam Phương Hoàng hậu đội. Về không gian, thời gian lịch sử, chi tiết này có một khoảng cách rất lớn. Ấy thế mà mỗi khi vẽ về Hai Bà Trưng, dựng kịch về Hai Bà Trưng, làm phim về Hai Bà Trưng thì hình tượng Hai Bà không thể thiếu chiếc khăn vành dây. Đó chính là sáng tạo nghệ thuật, được công chúng chấp nhận. Một ví dụ khác, họa sĩ Hoàng Mai (người từng vẽ chân dung các nhân vật như Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Thánh Tông, Dương Đình Nghệ, Trần Khát Chân...) đã vẽ chân dung Hồ Quý Ly bằng sự tưởng tượng. Tác giả cho hay ngay cả trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng không hề miêu tả gì về hình dáng diện mạo của ông. Khi tái hiện một nhân vật cách nay 600 năm mà không có căn cứ tư liệu gì, thì chỉ còn một cách là phải phân tích hành động, việc làm trong lịch sử mà xây dựng nên dung mạo con người.
Với đặc trưng loại hình của mình, mỹ thuật mang đến cho người xem những cảm xúc trực diện từ ngôn ngữ thị giác, ngôn ngữ không gian. Đứng trước một tượng đài mang hồn cốt danh nhân, đứng trước một bức phù điêu chở được cả ngàn năm dựng nước, người xem cũng có thể thu nhận được những ấn tượng về lịch sử không kém gì một cuốn tiểu thuyết, một bộ phim.
Nhưng thời gian ngày một đẩy chúng ta xa hơn với các sự kiện, nhân vật lịch sử. Nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật liệu có những cách chuyển tải hồn cốt cha ông nào khác ngoài những hình dung trực diện như trên? Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến có một nhận xét thế này: "Thế hệ các họa sĩ trẻ Hà Nội hiện nay quan niệm về tranh lịch sử có khác. Chất tường thuật sự kiện ít xuất hiện trên tranh, thay vào đó là sự đồng hiện chồng chất nhiều sự kiện, cảnh vật, nhưng yếu tố sử thi vẫn đậm nét. Ví như tác phẩm "Ngàn năm trầm tích" của Vũ Đình Tuấn với một vùng trầm tích của văn minh Đông Sơn qua motip đồ đồng tinh xảo trên trống đồng, dao găm, thắt lưng, đầu rồng đất nung, đồ gốm hoa nâu... làm thức dậy một ký ức ngàn năm mà gần gũi".
Vậy, câu trả lời phần nào đã có. Cho dù có những vùng trắng về sử liệu, cho dù là với nhiều thời kỳ ta chỉ còn những mảnh vụn ký ức, nhưng bằng sự nhạy cảm, nghệ sĩ vẫn sẽ tìm ra cách tiếp cận với thông điệp của cha ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.