Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt khó, tạo bước tiến mới

Chí Kiên| 14/06/2020 06:06

(HNM) - Thời gian qua, thị trường xuất bản điện tử đã có sự phát triển khá nhanh chóng, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện cách ly xã hội do dịch Covid-19. Thế nhưng, đánh giá từ các nhà xuất bản cho thấy, thị trường này vẫn còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện nay. Không những thế, lĩnh vực xuất bản điện tử còn đang đối mặt với không ít khó khăn để phát triển.

Trong đó, khó khăn lớn là tình trạng vi phạm bản quyền, sự “hồn nhiên” trong chia sẻ cơ sở dữ liệu, tài nguyên, ấn phẩm điện tử của người dùng. Thực trạng này không chỉ phản ánh tính thiếu chuyên nghiệp trong khai thác dữ liệu trên nền tảng số, mà còn tạo thói quen xấu cho một bộ phận độc giả là chỉ muốn đọc sách… miễn phí. Đây chính là rào cản cho sự phát triển của thị trường xuất bản điện tử; gây khó khăn trong tiếp cận đối tác xuất bản quốc tế.

Một khó khăn khác là hành lang pháp lý trong lĩnh vực này hiện chưa đầy đủ; quy định về cấp phép xuất bản hay phát hành một xuất bản phẩm điện tử tiêu tốn nhiều thời gian với không ít trình tự thủ tục; trong khi phương thức thanh toán chưa đa dạng, khiến nhiều khách hàng tiếp cận khó khăn…

Với dư địa còn lớn cùng những điều kiện thuận lợi trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, số người dùng internet, điện thoại thông minh tại nước ta khá lớn, để phát triển sách điện tử - sách số (ebook), sách nói (audio book) đúng với tiềm năng thì vẫn còn nhiều việc phải làm...

Trước hết, để tạo thuận lợi cho xuất bản điện tử phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự đổi mới ở tất cả các khâu, từ cấp phép hoạt động đến quản lý các xuất bản phẩm điện tử trên môi trường mạng, đồng thời sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan. Tiếp đó là hoàn thiện bộ thủ tục hướng dẫn nhà xuất bản phát hành ebook; tạo thuận lợi cho các nhà xuất bản thuê hạ tầng và dịch vụ làm sách điện tử từ công ty công nghệ… Cùng với đó, cơ quan quản lý tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để giúp môi trường xuất bản điện tử phát triển lành mạnh, công bằng; đặc biệt phải có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm bản quyền.

Đối với các đơn vị được cấp phép xuất bản điện tử cần bảo đảm vấn đề bản quyền và nội dung đầu sách hấp dẫn, có giá trị, chính thống; đồng thời lên án kịp thời, mạnh mẽ và phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý những đơn vị vi phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng giúp các nhà xuất bản đẩy mạnh phát triển các ấn bản điện tử trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.

Một việc cũng cần được lưu ý là đầu tư thích đáng cho cơ sở hạ tầng xuất bản điện tử, như: Hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm an ninh, an toàn mạng; phương thức thanh toán đa dạng, an toàn, dễ tiếp cận; bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu… Song song đó, các bên liên quan cần tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá qua các kênh để tiếp cận nhanh với độc giả trên các nền tảng công nghệ mới.

Ở góc độ người đọc, cần nâng cao nhận thức, nói không với sách lậu, sách giả. Đặc biệt, khi phát hiện sách vi phạm bản quyền hoặc mua phải sách lậu cần thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng để xử lý.

Xuất bản điện tử không đơn thuần là một xu thế, mà còn là triển vọng phát triển trong tương lai. Vì thế, việc tạo cơ chế, chính sách giúp ngành Xuất bản vượt khó, tạo bước tiến mới vững vàng trong xu thế hội nhập toàn cầu cũng như đáp ứng nhu cầu của người đọc là hết sức cần thiết.    

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vượt khó, tạo bước tiến mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.