Doanh nghiệp

Vượt khó nhờ nội lực

HNMO 11/02/2024 - 06:57

Để tiếp tục vượt qua khó khăn được dự báo còn tiếp diễn trong năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng, tìm kiếm đối tác, thậm chí kiến tạo bước chuyển trong chiến lược kinh doanh để tạo đà phát triển.

Phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận ý kiến của một số doanh nghiệp về giải pháp vượt khó, định hướng phát triển trong năm mới mà ở đó, điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường nội lực.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank):
Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

yk-tran-binh-minh.jpg

Năm 2024, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối diện với thách thức, tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều cơ hội được mở ra. VietinBank tiếp tục phát huy tốt vai trò dẫn dắt thị trường và đi đầu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chúng tôi tiếp tục dành nguồn lực nhằm triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; rà soát, tinh gọn cơ chế chính sách, quy trình thủ tục và các biện pháp hỗ trợ khác.

Bên cạnh đó, VietinBank đặt ra yêu cầu về năng lực cạnh tranh, gia tăng doanh thu, quản trị chi phí hoạt động, chi phí vốn; cải thiện chất lượng dịch vụ hướng tới khách hàng, nâng cao năng suất lao động. Đây là cơ sở để VietinBank tăng vốn, thực hiện chuyển đổi số và tăng mức độ gắn kết với khách hàng.

Đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 15,6% so với cuối năm 2022, cao hơn mức chung toàn ngành. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, quản trị rủi ro hiệu quả. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,12%, đạt mục tiêu định hướng của Ngân hàng Nhà nước (dưới 1,8%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 160%. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, chiếm 40% dư nợ. VietinBank ưu tiên nguồn lực tăng trưởng cho phân khúc bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa tỷ trọng dư nợ bình quân trên tổng dư nợ của phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng từ 56,6% vào năm 2021 lên 62,4% năm 2023. VietinBank là một trong ba ngân hàng cho vay lớn nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank):
Khẳng định vai trò chủ lực trong thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn

yk-pham-duc-an.jpg

Năm 2024, Agribank phấn đấu tiếp tục hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo tiền đề triển khai và hoàn thành phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, Đề án chiến lược kinh doanh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn.

Năm 2023, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt trên 1,55 triệu tỷ đồng, trong đó 65% là dư nợ cho vay phục vụ phát triển "tam nông".

Kết quả kinh doanh của Agribank đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra, có đóng góp lớn đối với ngân sách Nhà nước. Agribank được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng số vốn điều lệ lên hơn 51.000 tỷ đồng, tạo tiềm lực mở rộng hoạt động kinh doanh, cung ứng vốn, góp phần phát triển nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT:
Thuyết phục đối tác, khách hàng bằng chất lượng nền tảng công nghệ

yk-nguyen-van-khoa.jpg

Năm 2023, để vượt qua khó khăn, ban lãnh đạo FPT đã phải ngồi với nhau từng tháng để cùng bàn thảo tìm ra giải pháp kinh doanh tốt nhất. Và, FPT đã chính thức đạt doanh thu 1 tỷ USD dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài; duy trì tăng trưởng ở mức hai chữ số.

Không ít người đặt câu hỏi rằng, FPT đã làm gì để vượt qua năm 2023 đầy “giông bão”?

Trước hết, chúng tôi đã chứng minh chất lượng nền tảng công nghệ của mình để khách hàng, đối tác tin tưởng lựa chọn. Ví dụ, ở khối công nghệ, hơn 20 triệu người dùng toàn cầu sử dụng sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) của FPT. Năm vừa qua, chúng tôi đã ra mắt AI tạo sinh bằng ngôn ngữ tiếng Việt và đầu tư vào Công ty Landing AI của Hoa Kỳ.

FPT đã cung cấp ra thị trường gần 100 triệu chip, thành lập FPT Automotive (công nghệ ô tô); tiến hành 4 thương vụ M&A (mua bán - sáp nhập). Hiện FPT có hơn 5.000 cán bộ, nhân viên ở hơn 30 quốc gia.

Ở trong nước, FPT đã ký hợp tác chuyển đổi số với hơn 30 tỉnh, thành phố; doanh thu từ chuyển đổi số tăng 45 - 46% so với năm 2022. Lĩnh vực viễn thông đạt mức tăng trưởng 10% so với năm ngoái (chủ yếu từ nguồn kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và truyền hình)...

2024 được dự báo là một năm khó khăn, thậm chí có thể khó khăn hơn năm 2023. FPT phải sẵn sàng cho các kịch bản và tình huống có thể xảy ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các công nghệ mũi nhọn: AI, bán dẫn (chip), ô tô, tham gia các dự án lớn của Chính phủ, bộ, ngành; đạt thêm bằng sáng chế về AI với việc đặt mục tiêu dài hạn trở thành nhà cung cấp dịch vụ chip trong khu vực; đến năm 2030 cán mốc 1 tỷ USD cho lĩnh vực Automotive.

Về viễn thông, FPT tham gia mở rộng các tuyến cáp quang kết nối quốc tế, mở rộng trung tâm dữ liệu cung ứng năng lực hạ tầng cho FPT ở Việt Nam và nước ngoài. Chúng tôi sẽ khai trương trung tâm dữ liệu mới tại thành phố Hồ Chí Minh, tăng gấp đôi công suất trung bình của trung tâm dữ liệu; áp dụng công nghệ wifi 6 và wifi 7, đầu tư cho mảng truyền hình để đem lại trải nghiệm khác biệt.

Tập đoàn FPT đã công bố mục tiêu dài hạn của chiến lược toàn cầu hóa với mục tiêu đạt 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài vào năm 2030, đạt quy mô doanh thu và lợi nhuận hàng tỷ USD từ một thị trường, một ngành và một hợp đồng duy nhất.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp:
Nỗ lực tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường

yk-nguyen-van-tuan.jpg

Là một trong những doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất, Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp đã có bước đột phá về chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị công nghệ cao.

Công ty đã đầu tư phát triển hàng loạt sản phẩm khóa điện tử thông minh; mỗi năm dành 35 - 40 tỷ đồng để đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất tự động hiện đại. Đến nay, 80% hệ thống máy móc của doanh nghiệp đã được tự động hóa và nhờ đó, năng suất lao động tăng 42%, năng lực sản xuất đạt trên 23 triệu sản phẩm mỗi năm.

Công nghệ số đã giúp Khóa Việt - Tiệp tăng cường khả năng quản lý và kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất - từ thiết kế, đặt hàng, nhập kho, gia công, lắp ráp, kiểm tra chất lượng đến khâu giao hàng. Công ty đã tối ưu hóa việc sử dụng máy móc, thiết bị, nguyên liệu và nhân công để tăng năng suất...

Năm 2024, số lượng đơn hàng dần phục hồi song vẫn còn nhiều khó khăn. Khóa Việt - Tiệp sẽ tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử, các cơ quan thương vụ ở nước ngoài cùng các tổ chức quốc tế thông qua các triển lãm, hội chợ để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% trong năm 2024.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10:
Nắm chắc từng cơ hội, không ngại chọn việc khó

yk-than-duc-viet.jpg

Trong năm 2023, doanh thu của Tổng Công ty May 10 đạt khoảng 4.250 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022, kết quả lợi nhuận cũng giảm tương tự nhưng mức giảm vẫn thấp hơn mức bình quân chung của toàn ngành may mặc. Tuy nhiên, điều đáng khích lệ nhất là Tổng Công ty vẫn cố gắng tận dụng từng cơ hội kinh doanh, bảo toàn được các thị trường xuất khẩu, giữ vững năng lực sản xuất cũng như bảo đảm chất lượng và niềm tin với người tiêu dùng trong nước.

Để có được những thành công này, khác với những năm trước, May 10 “chọn việc khó” do xác định thị trường khó khăn sẽ không có việc dễ để làm, người lao động và cán bộ Tổng Công ty phải chủ động chọn việc khó. Từ việc mở rộng thêm thị trường mới trong khối ASEAN đến thâm nhập sâu hơn vào thị trường Australia, Canada và thu hút thêm nhiều khách hàng mới tại các thị trường truyền thống là Mỹ, EU, Nhật Bản. Cùng với đó là linh hoạt trong tổ chức sản xuất.

Tín hiệu phục hồi trong năm 2024 chưa thực sự rõ rệt. Mặc dù vậy, Tổng Công ty May 10 vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 7% về cả doanh thu và lợi nhuận so với năm 2023. Ngành dệt may đang có những hạn chế nhất định, đó là tỷ trọng hàng FOB, ODM chưa cao, một số thị trường vẫn phải xuất khẩu qua trung gian, chưa có nhiều thương hiệu riêng... Thêm vào đó là các yêu cầu mới về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững từ các quốc gia và các nhãn hàng toàn cầu. Vì thế, để tiếp tục phát triển trong thời gian tới thì đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực. Nếu không nắm bắt cơ hội và thay đổi thì trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, các doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại phía sau.

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro):
Tạo đột phá trong xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm

yk-do-tue-tam.jpg

Năm 2023, cùng với các đơn vị thương mại trên địa bàn Thủ đô, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội tiếp tục đối mặt với khó khăn chung. Tuy nhiên, những tín hiệu khả quan và sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm vừa qua đã tạo động lực và hy vọng cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, Tổng Công ty tin tưởng và đặt kỳ vọng vào công tác xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm.

Năm 2024, Tổng Công ty đề ra những giải pháp tiên tiến nhằm hoàn thành kế hoạch, các chỉ tiêu kinh tế năm 2024, xây dựng kế hoạch mang tính đột phá trong xuất khẩu. Ngoài ra, Hapro tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý mạng lưới; triển khai, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng các dự án của Tổng Công ty đã được phê duyệt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vượt khó nhờ nội lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.