(HNM) - Năm 2021 ghi dấu những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Bước vào năm công tác mới, tập thể UBND thành phố Hà Nội sẽ tập trung nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, góp phần thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tạo đà phát triển những năm tiếp theo.
Linh hoạt kiểm soát dịch bệnh
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư năm 2021, biến chủng Delta có tốc độ lây nhiễm gấp nhiều lần đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân Thủ đô và cả nước. Trước tình hình đó, UBND thành phố Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là sự quyết liệt, chủ động, đồng lòng, nhất quán của tập thể Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy với những quyết sách đúng, trúng và kịp thời. Từ UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đến các đơn vị, địa phương, hệ thống chính trị cấp cơ sở luôn nhất quán, kiên trì, chủ động, linh hoạt từ sớm, từ xa, từ cơ sở với các phương án, kịch bản phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn để không bị động, bất ngờ khi có tình huống xấu xảy ra.
Trong giai đoạn này, thành phố đã tận dụng tối đa “thời gian vàng”, thực hiện truy vết, khoanh vùng, xử lý các ổ dịch phức tạp, xét nghiệm tầm soát diện rộng và tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Tính đến giữa tháng 12-2021, đã có gần 6,2 triệu người (tương ứng 94,2% người dân từ 18 tuổi trở lên) được tiêm mũi 1, hơn 5,5 triệu người (tương ứng 84,6% người dân từ 18 tuổi trở lên) được tiêm mũi 2. Đồng thời, ngay sau khi có hướng dẫn của Trung ương, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm chủng vắc xin cho trẻ em, với 92,2% trẻ em từ 15 đến 17 tuổi và 41,4% cho trẻ em từ 12 đến 14 tuổi được tiêm bao phủ.
Trong năm qua, bên cạnh quyết liệt phòng, chống dịch, UBND thành phố luôn giữ nguyên tắc bảo đảm hoạt động và đời sống của người dân, doanh nghiệp, đồng thời thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải thông tin, đến cuối năm 2021, thành phố đã hỗ trợ cho hơn 5,1 triệu lượt người dân, hộ kinh doanh gặp khó khăn với số tiền hơn 6.000 tỷ đồng. Thành phố cũng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho hơn 160 nghìn lao động; hỗ trợ học nghề cho hơn 1.200 người; tổ chức 160 phiên giao dịch việc làm, tuyển dụng được trên 10.000 lao động; trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho gần 57.000 người.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ, UBND thành phố đã chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp tổ chức thực hiện từ quản lý “không Covid-19” sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng chỉ đạo thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã, phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ”; điều chỉnh thời gian thực hiện cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần (F1) xuống còn 14 ngày; thực hiện tốt công tác quản lý cách ly F1, F0 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế…
Chủ động, kịp thời, hiệu quả trong phục hồi, phát triển kinh tế
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng kinh tế thành phố năm qua vẫn duy trì tăng trưởng. Tính chung cả năm 2021 đạt 2,92%, ở mức thấp so với kế hoạch, nhưng theo Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, xu hướng phục hồi tích cực trong quý IV-2021 là rất quan trọng, thể hiện tính chủ động, kịp thời, hiệu quả của thành phố trong việc đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ, với những giải pháp quyết liệt phục hồi kinh tế ngay sau khi kiểm soát dịch bệnh của thành phố, doanh thu công nghiệp, thương mại, dịch vụ quý IV-2021 tăng mạnh so với quý III. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước (cả nước tăng 3,63%); hoạt động thương mại, dịch vụ từng bước mở cửa trở lại, doanh thu tăng cao hơn so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu phục hồi, trong đó tháng 10 tăng 18,9% và tháng 11 tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước); khu vực dịch vụ tăng 6,84% trong quý IV-2021; thương mại điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, dần trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến….
Trên cơ sở đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 112,3% dự toán Trung ương giao, đạt 105,3% so với dự toán HĐND thành phố giao. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 2 tỷ USD. Vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 345 nghìn tỷ đồng với khoảng 25,19 nghìn doanh nghiệp. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân tăng 1,77% (thấp hơn mức tăng năm 2020 là 2,67%). Thành phố cũng đã tích cực triển khai các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ người nộp thuế với tổng số tiền thực hiện các chính sách hỗ trợ là 25.662 tỷ đồng.
“Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp nhưng kinh tế - xã hội Thủ đô vẫn duy trì được kết quả khá tích cực, một số mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch hoặc kịch bản phấn đấu đề ra. UBND thành phố đã kịp thời triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ; phát huy tinh thần chủ động, quyết liệt, đoàn kết, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, ưu tiên dành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân”, đồng chí Chu Ngọc Anh khẳng định.
Quyết tâm thực hiện 3 chủ trương lớn trong năm 2022
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhận định, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công 5 năm, giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh dự báo có những thuận lợi, cơ hội nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của Thủ đô.
Từ nhận định đó, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, trong năm 2022, đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND thành phố tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong các ngành, lĩnh vực. Đồng thời chủ động các kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ của dịch. Ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo cơ sở để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố quyết tâm thực hiện 3 chủ trương lớn, mang tính định hướng dài hạn cho mục tiêu phát triển Thủ đô. Cụ thể, thành phố sẽ báo cáo Bộ Chính trị tiếp tục ban hành nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Thành phố cũng tập trung hoàn thiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II-2022 và hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV-2022.
Để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, tập thể UBND thành phố sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm, bảo đảm thực hiện theo nguyên tắc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và quy định, quy chế làm việc của UBND thành phố theo chủ đề công tác năm 2022 của thành phố là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
“UBND thành phố Hà Nội quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương hoàn thành 22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội và các chỉ tiêu về thu chi ngân sách, biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2022 với nhiệm vụ trọng tâm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, đồng chí Chu Ngọc Anh khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.