Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vương quốc Anh chính thức rời “mái nhà chung” EU

Minh Hiếu| 01/02/2020 07:04

(HNM) - Hơn 3 năm sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử tại xứ sở Sương mù, ngày 31-1-2020 đã trở thành cột mốc đánh dấu việc nước Anh chính thức không còn là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), “mái nhà chung” đầy tự hào của khu vực. Đây được xem là một trong những biến động chính trị lớn nhất tại Lục địa già trong suốt nhiều năm qua, đưa mối quan hệ giữa London và Brussels sang một trang mới.

Các nghị sĩ Nghị viện châu Âu tại cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit.

Sau khi được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua tại phiên họp toàn thể với 621 phiếu thuận, 49 phiếu chống và 13 phiếu trắng, Hội đồng châu Âu gồm 27 quốc gia thành viên đã ký vào bản thỏa thuận Anh rời khỏi khối liên minh - bước phê chuẩn chính thức cuối cùng bằng văn bản để London ra đi vào thời điểm đã định. Kết thúc cuộc bỏ phiếu, hàng trăm nghị sĩ châu Âu đã cùng hát vang bài hát truyền thống của vùng Scotland, như một lời khẳng định, dù chia tay nhưng Anh và EU không hề xa cách. Nhiều nghị sĩ cũng nhấn mạnh, cuộc bỏ phiếu không nhằm mục đích ủng hộ hay phản đối việc nước Anh rời khỏi liên minh (còn gọi là Brexit), mà nhằm giúp quá trình này diễn ra có trật tự, tránh những kịch bản "ly hôn" không mong đợi.

Như vậy, từ ngày 1-2-2020, hai bên bước vào một thời kỳ chuyển tiếp dự kiến kéo dài ít nhất đến hết năm nay. Đây là khoảng thời gian cần thiết để London và Brussels đàm phán về mối quan hệ trong tương lai. Những khác biệt đáng kể nhất trong giai đoạn này là Anh sẽ không còn vị trí trong tất cả thể chế chính trị thuộc EU, không còn tiếng nói trong việc xây dựng chính sách chung của khối. Tất cả ràng buộc hiện tại về pháp luật, kinh tế, thương mại và vấn đề công dân tạm thời chưa có sự thay đổi. Các nghị sĩ của EP cho biết, họ sẽ theo dõi sát sao tiến trình đàm phán và các động thái từ phía London với 3 triệu công dân EU đang sống trên lãnh thổ Anh.

Trong khi đó, nhiều chính trị gia cho rằng, phần khó khăn nhất của cuộc "ly hôn" này vẫn đang ở phía trước. Theo Trưởng đoàn đàm phán về vấn đề Brexit của EU Michel Barnier, khối này và xứ sở Sương mù sẽ phải xem xét lại khoảng 600 thỏa thuận quốc tế khi các văn kiện này hết hiệu lực do Brexit. Trong đó, 3 nhóm vấn đề được ưu tiên là sắp xếp các cuộc gặp mặt định kỳ để điều phối lợi ích trong các vấn đề về biến đổi khí hậu và hòa bình ở Trung Đông; hợp tác về phòng, chống khủng bố và các mối đe dọa từ nước ngoài; và thống nhất một thỏa thuận thương mại toàn diện.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất chế tài với London trong tương lai nếu vi phạm cam kết thương mại. Pháp và một số thành viên chủ chốt khác trong EU cũng đang gây sức ép để Anh phải tuân thủ các quy định về chính sách môi trường, thị trường lao động, trợ cấp nhà nước và thuế để bảo vệ các doanh nghiệp của châu Âu khỏi sự cạnh tranh không bình đẳng.

Ông Nigel Farage, nhà vận động hàng đầu của Brexit đã tuyên bố sẽ không có chuyện quay trở lại một khi Anh đã rời EU. Như vậy, 11 tháng còn lại của năm 2020 sẽ mang tính chất quyết định trong việc định hình mối quan hệ giữa Anh và EU hậu Brexit. Song quá trình "chia tay" không dễ dàng với 3 năm đàm phán dai dẳng, trải qua 3 đời thủ tướng Anh, 2 lần bầu cử sớm và nhiều lần thay đổi nội các phần nào cho thấy sự phức tạp sau quyết định “dứt áo ra đi” của xứ sở Sương mù.

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh EU mong muốn sẽ vẫn là người bạn tốt, đối tác tốt của Vương quốc Anh. Brussels cũng hy vọng thúc đẩy một mối quan hệ đối tác mật thiết với London vì lợi ích chung. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, London sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán, đồng thời chờ đợi mối quan hệ trong tương lai với EU được xây dựng dựa trên sự hợp tác hữu nghị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vương quốc Anh chính thức rời “mái nhà chung” EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.