Cuộc thi nhan sắc dành cho các cô gái có năng khiếu thể thao được khởi động và diễn ra gần như đồng thời với Hoa hậu Việt Nam, nhưng có phần trội hơn ở giá trị chiếc vương miện.
Sau 5 năm gián đoạn, Hoa khôi Thể thao đã quay trở lại. Cuộc thi này bắt đầu từ năm 1993 và chứng kiến sự đăng quang của 5 người đẹp: Nguyễn Kim Oanh - Hoa khôi Thể thao 1993, Nguyễn Thu Hương năm 1995, Trần Hoàng Anh 1997, Nguyễn Hồng Hà 2001. Riêng cuộc thi năm 2007 có Trần Thị Quỳnh chiến thắng được nâng tầm thành Hoa hậu Thể thao. Theo quy chế hiện tại của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch về việc mỗi năm chỉ có một cuộc thi Hoa hậu, cuộc thi phải trở về với quy mô ban đầu là Hoa khôi.
Ban tổ chức Hoa khôi Thể thao Việt Nam trả lời thắc mắc của báo giới. |
Đêm chung kết Hoa khôi Thể thao diễn ra vào đầu tháng 8, trong khi Hoa hậu Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 8 cũng tại thành phố Đà Nẵng dẫn đến sự so sánh của dư luận về hai cuộc thi. Người đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam được trao giải thưởng 300 triệu đồng tiền mặt, một vương miện trị giá 300 triệu đồng. Trong khi đó người đoạt vương miện Hoa khôi Thể thao nhận 100 triệu đồng tiền mặt, 450 triệu đồng bằng quà tặng, một vương miện trị giá một tỷ đồng. Đây là chiếc vương miện có giá trị tương đương với vương miện Hoa hậu Thế giới người Việt 2010. Giải thích về trị giá vương miện, ông Trần Chiến Thắng - Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam - cho biết: “Vương miện của Hoa khôi Thể thao và Hoa hậu Việt Nam chỉ có tính luân lưu nên giá trị thực tế giải thưởng vào tay thí sinh thấp hơn nhiều so với số tiền công bố”.
Ngoài ra, để chứng minh cho việc không chạy đua với Hoa hậu Việt Nam, Ban tổ chức cuộc thi Hoa khôi Thể thao cho rằng, Hoa khôi Thể thao và Hoa hậu Việt Nam có nhiều điểm khác biệt. “Mỗi thiếu nữ khi định tham dự cuộc thi nào phải xem tiêu chí cuộc thi đó. Thí sinh Hoa hậu đòi hỏi phải cao trên 1,62 m trong khi thí sinh Hoa khôi chỉ đòi hỏi có chiều cao từ 1,60 m và phải là những người có khả năng thể thao” - ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam, phát biểu. Ông Minh còn lấy dẫn chứng về trường hợp người đẹp Nguyễn Thị Huyền từng không vào sâu ở Hoa khôi Thể thao 2001 nhưng đã đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2004 để khẳng định, kiến thức, tinh thần thể thao là điều quan trọng ở cuộc thi này.
ố điểm từ phần thi Thể thao chiếm tới 30% điểm số cuộc thi. 70% điểm còn lại dành cho ứng xử, trang phục và nhân trắc học. 20 người đẹp nổi bật sẽ vào vòng chung kết, 3-6 người xuất sắc sẽ thi phần ứng xử với cùng một câu hỏi. Top 3 cuộc thi được Ban tổ chức kết hợp cùng công ty Elite đề cử tham dự các cuộc thi thế giới. Không đòi hỏi khắt khe về chiều cao thí sinh, Hoa khôi Thể thao 1995 Nguyễn Thu Hương - Phó Ban tổ chức cuộc thi - tự tin cho rằng: “Thi Hoa hậu quốc tế không nhất thiết phải quá cao, bởi tôi không cao nhưng vẫn giành giải tại Hoa hậu Quý bà Thế giới. Người đoạt vương miện cũng không cao hơn tôi chút nào”.
Đêm chung kết Hoa khôi Thể thao được tường thuật trực tiếp tối 4/8 trên VTV6, phát lại trên VTV3.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.