Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vướng cơ chế

Nam Long| 31/01/2010 07:46

(HNM) - Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DN) thành lập từ năm 2003 với mục tiêu góp phần làm lành mạnh hóa tình hình tài chính DN, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi DN nhà nước.


Trên thực tế, hoạt động mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN đã giúp nhiều DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tránh được thiệt hại tài chính do DN vay vốn mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về cơ chế hoạt động nên hiện tại việc mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN đang lâm vào thế khó mua, khó bán.

Theo số liệu của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC), năm 2009, công ty chỉ thực hiện mua nợ 193 tỷ đồng, giảm nhiều so với những năm trước, mặc dù tỷ lệ thu hồi nợ đến lên tới 79% (tổng nợ từ trước đến nay là 2.100 tỷ đồng, trong đó tính đến hết năm 2009, DATC đã thu hồi được 1.662 tỷ đồng; riêng năm 2009, thu được 507 tỷ đồng). Việc hạn chế mua vào, theo lãnh đạo của DN này là do công ty đang "kẹt cứng" trong thế khó mua, khó bán.

Ông Phạm Thanh Quang, Tổng Giám đốc DATC cho rằng, đây là lĩnh vực còn rất mới nên các quy định hiện hành chưa tạo động lực để các DN phát huy: "Những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động mua bán nợ và tài sản DN đã được chúng tôi có ý kiến từ cách đây hơn hai năm nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vì chưa được giải quyết và chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho hoạt động này nên trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi chỉ dám làm cầm chừng. Nếu làm mạnh thì sợ bị "thổi còi". Trước mắt, chúng tôi chủ yếu tập trung vào giải quyết thu hồi các khoản nợ đã mua".

Cũng theo ông Quang, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc xác định giá trị DN. Hiện DATC còn hơn 20 DN không xác định được giá trị vì vướng đất. Cụ thể, khi xác định giá trị DN để thực hiện chuyển đổi sở hữu DN nhà nước, đối với phần lớn DN tại các thành phố lớn, giá trị đất đai thường chiếm tỷ trọng cao. Nếu tính giá đất theo thị trường thì không thể làm được. Trong khi đó, không xác định được giá trị thì rất khó để xây dựng phương án chuyển đổi.

Một khó khăn khác là hoạt động này chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xóa nợ đối với các khoản nợ tiếp nhận không còn khả năng thu hồi. Muốn tái cấu trúc lại DN thì phải xử lý tồn tại cũ nhằm lành mạnh hóa tài chính, nhưng hiện điều này phải xin ý kiến của Bộ Tài chính, công ty mua bán nợ không tự quyết định được, dẫn đến kéo dài thời gian. Chưa hết, vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xác định đối tượng DN khách nợ như thế nào: Chỉ mua DN nhà nước, hay áp dụng cho mọi thành phần kinh tế? Xu hướng chung hiện vẫn nghiêng về phía DN nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, pháp luật đã quy định, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng. Đồng thời, nếu giải quyết được khó khăn cho DN dù thuộc khối tư nhân hay nhà nước thì đều góp phần tích cực làm lành mạnh hóa nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho hay, tâm lý trên xuất phát từ việc theo quy định hiện hành, việc mua bán dựa trên thỏa thuận nên có thể phát sinh tiêu cực.

Cũng theo ông Quang, khó khăn tiếp theo là cho vay bảo lãnh: "Quy định hiện hành không cho phép công ty mua bán nợ cho vay bảo lãnh. Trong khi đó, phần lớn nhà máy, DN chúng tôi mua hoặc định mua đều trong tình trạng hấp hối hoặc đã mất khả năng hoạt động. Nếu không đầu tư, sắp xếp lại, nhà máy không thể hoạt động và cũng không thể tái cấu trúc. Chưa hết, quy trình hướng dẫn thủ tục thỏa thuận hiện rất chung chung nên thường kéo dài, Bộ Tài chính chưa hướng dẫn cụ thể, dễ dẫn đến tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu. Ví dụ, khi chúng tôi mua Nhà máy đường Sơn La, theo trình tự phải làm thủ tục mất 2 năm. Nhưng để duy trì nhà máy vận hành và tạo điều kiện cho người lao động, một mặt chúng tôi thỏa thuận với đối tác là sẽ mua nhà máy và triển khai cơ cấu lại hoạt động, một mặt tiếp tục tiến hành các thủ tục cần thiết. Song khi gần tiến hành thủ tục xong thì cũng là lúc nhà máy bắt đầu vận hành có hiệu quả. Lúc đó, lại có ý kiến nhà máy đang hoạt động có hiệu quả rồi thì cần gì phải bán. Đấy là cái khó…".

Được biết, Bộ Tài chính vừa có Văn bản số 18487/BTC-TCDN trình Chính phủ về cơ chế hoạt động đối với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng DN. DATC mong rằng đề xuất trên được chấp thuận vì sẽ tác động tích cực đến hoạt động mua bán nợ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ và tài sản tồn đọng DN, ông Quang cũng đề xuất, ngoài kiến nghị của Bộ Tài chính nêu trên, nên cho thí điểm thành lập mô hình công ty cổ phần để tăng tính năng động và hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vướng cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.