Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vướng chỗ nào, gỡ chỗ đó

Vũ Duy Thông| 27/08/2014 06:28

(HNM) - Cách đây không lâu, các hãng ô tô lớn trên thế giới vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, chỉ sau Thái Lan. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm xây dựng và gần 15 năm thực hiện chiến lược phát triển, đến nay ngành sản xuất ô tô nước nhà vẫn chưa thể trở thành một ngành công nghiệp theo đúng nghĩa của nó,


Thực chất hiện nay các doanh nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chỉ là những xí nghiệp lắp ráp, với tỷ lệ nội địa hóa chưa đến 10%. Và trong bối cảnh chỉ vài năm nữa là đến thời điểm các hiệp định thương mại có hiệu lực, không ít người đã nghĩ đến khả năng phá sản của hàng loạt doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước trước nguy cơ ô tô ngoại tràn vào Việt Nam sau khi thuế nhập khẩu bị bãi bỏ.

Ở nhiều nước trên thế giới, ngành sản xuất ô tô được coi là "trụ cột" của nền kinh tế. Không chỉ vì đó là ngành sản xuất hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội, mà sự phát triển của nó còn kéo theo sự ra đời, phát triển của các ngành công nghiệp khác, từ sắt thép, điện tử, hóa chất, xăng dầu, giao thông… cho tới công nghiệp phụ trợ…

Trước một ngành kinh tế giàu tiềm năng như vậy, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" với mục tiêu "đến năm 2020, ngành sản xuất và lắp ráp ô tô trở thành một ngành công nghiệp quan trọng, có khả năng đáp ứng ở mức cao nhất nhu cầu thị trường trong nước, tham gia vào thị trường khu vực và thế giới". Mặc dù thời gian đến mốc trên còn tương đối dài, thế nhưng đã có thể hình dung ra mục tiêu đó khó có thể thành hiện thực.

Cả nước hiện có 18 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 38 doanh nghiệp trong nước đầu tư vào ngành sản xuất ô tô, tổng năng lực sản xuất và lắp ráp khoảng 460.000 xe/năm, trong đó ô tô 5-9 chỗ khoảng 200.000 xe/năm. Tuy nhiên, ngành ô tô nước ta chủ yếu mới là lắp ráp, sản xuất chỉ dừng lại ở các công đoạn hàn, tẩy rửa, sơn… Hệ thống công nghiệp phụ trợ gồm 120 doanh nghiệp nhưng phần lớn là các xí nghiệp vừa và nhỏ, kỹ thuật và thiết bị lạc hậu, nên chỉ sản xuất được một số ít những phụ tùng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, ắc quy, dây điện, nhựa… và hoạt động khá cầm chừng do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Chính vì điều đó mà tỷ lệ nội địa hóa của ô tô Việt Nam thấp, cao nhất cũng không quá 15%. Tuy nhiên giá thành ô tô Việt Nam thường cao hơn 20% so với các nước trong khu vực và được đánh giá là cao nhất thế giới. Ngoài ra, "rào cản" về chính sách, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ở Việt Nam cũng là những nguyên nhân khiến công nghiệp ô tô trở nên trì trệ, tụt hậu…

Nguyên nhân đã rõ và giải pháp là "vướng chỗ nào gỡ chỗ đó". Thứ nhất là các cơ quan quản lý, hoạch định cần khẩn trương sửa đổi, khắc phục những bất cập về mặt chính sách để giúp ngành ô tô Việt Nam "tăng tốc" khi thời điểm năm 2018 - "mốc" giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết trong APTA và WTO, thậm chí có thể cả TTP nữa - đang đến gần. Thứ hai là phải nhanh chóng xây dựng nền công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất ô tô với công nghệ hiện đại, chất lượng cao nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao chất lượng xe sản xuất trong nước. Thứ ba, muốn ngành công nghiệp ô tô phát triển thì hệ thống giao thông gồm đường sá, cầu cống, thiết bị giao thông… cũng phải nhanh chóng được nâng cấp. Sẽ không thể có một nền công nghiệp ô tô phát triển trong khi vẫn còn hàng loạt những biển báo hạn chế tốc độ dưới 40km, những cầu vượt không cho phép xe tải nặng đi qua và đặc biệt là những chiếc xe con chạy khắp nửa thành phố vẫn khó có thể tìm được một chỗ đỗ như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vướng chỗ nào, gỡ chỗ đó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.