Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vươn xa hơn nữa

Chí Kiên| 06/03/2022 06:08

(HNM) - Âm nhạc hàn lâm Việt Nam đang có những chuyển động khá tích cực khi liên tiếp hai dàn nhạc giao hưởng trẻ được thành lập và đi vào hoạt động. Sự kiện này không chỉ góp phần lan tỏa giá trị, tình yêu âm nhạc hàn lâm mà còn thúc đẩy, tạo nguồn tài năng cho nền âm nhạc bác học Việt Nam phát triển bền vững.

Lâu nay, cụm từ “chảy máu chất xám” thường hay được nhắc đến khi nói tới âm nhạc hàn lâm. Bởi thực tế, Việt Nam đã sản sinh ra nhiều tài năng âm nhạc hàn lâm, nhưng vì thiếu “đất diễn” cùng những lý do khác, mà không ít người trong số họ đã lần lượt ra nước ngoài làm việc để phát triển sự nghiệp.

“Cái khó bó cái khôn”, bởi khi người tài rời đi đã để lại một khoảng trống nhân lực cho lĩnh vực âm nhạc bác học. Không khó để nhận ra điều đó khi hiện nay, các dàn nhạc giao hưởng uy tín trong nước đang rất “khát” nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, với nhu cầu ngày càng cao, khán thính giả cũng mong muốn được thưởng thức âm nhạc đỉnh cao từ những nghệ sĩ tài năng, chuyên nghiệp.

Trước đòi hỏi từ thực tiễn, ngoài những dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp, hoạt động có bề dày, việc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Học viện Âm nhạc VYMI thành lập các dàn nhạc giao hưởng trẻ là sự kiện rất có ý nghĩa với giới nghệ sĩ, đặc biệt là những người trẻ tuổi đang theo đuổi lĩnh vực âm nhạc đỉnh cao này.

Con đường để trở thành nghệ sĩ âm nhạc hàn lâm là một hành trình dài đầy gian khó, không chỉ cần năng khiếu, tâm huyết mà cả sự khổ luyện. Vì thế, những nghệ sĩ trẻ, khi đã dành tình yêu cho âm nhạc cần xác định tinh thần dấn thân. Tài năng chỉ là một phần mà phải tập luyện chăm chỉ, thường xuyên, bởi “có công mài sắt, có ngày nên kim”, chỉ có rèn luyện nhiều thì chuyên môn mới giỏi và được công chúng công nhận.

Với các đơn vị nghệ thuật, học viện âm nhạc, cần tiếp tục tạo môi trường học tập, rèn luyện thuận lợi cho nghệ sĩ trẻ phát huy tài năng; đồng thời tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, giao lưu với các nghệ sĩ đã thành danh để giúp nghệ sĩ trẻ tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, chuyên môn…

Âm nhạc vốn là món ăn tinh thần, “hữu xạ tự nhiên hương”, hễ hay thì tức khắc sẽ có nhiều người muốn được thưởng thức. Khán giả chính là mạch nguồn sự sống của một dàn nhạc và đó là lý do muốn tồn tại, dàn nhạc đó phải hiểu khán giả của mình. Bởi thế, các đơn vị trong lĩnh vực này cũng như đội ngũ nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ cần có trách nhiệm xóa đi những rào cản mà lâu nay nhiều người vẫn cho rằng vì là “hàn lâm”, “bác học” nên dòng nhạc này xa rời công chúng. Theo đó, âm nhạc hàn lâm cần đổi mới mình bằng việc xã hội hóa, đến gần hơn với công chúng, sáng tác những tác phẩm đáp ứng được nhu cầu, gần gũi đời sống xã hội. Quan trọng hơn, việc hiểu "gu" thưởng thức của khán giả Việt, hiểu truyền thống văn hóa Việt là điều tối quan trọng để có thể thành công. Làm tốt điều này cũng là giải pháp căn bản tạo “sân chơi” cho nghệ sĩ phô diễn tài năng, đồng thời được giao lưu, nắm bắt thị hiếu của khán thính giả nhằm phục vụ tốt hơn, thu hút nhiều người đến với nhạc hàn lâm hơn.

Tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển luôn phải “đãi cát tìm vàng”. Một dàn nhạc giao hưởng bao gồm một tập thể tài năng và để hình thành được không phải là chuyện dễ. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho các nghệ sĩ cũng cao hơn, họ phải biết vươn xa hơn bằng chính tài năng, tâm huyết, trí tuệ để đưa âm nhạc hàn lâm Việt Nam hòa nhập với thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vươn xa hơn nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.