Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vườn quốc gia Ba Vì: Nhiều khó khăn trong phòng cháy

Đào Huyền| 06/12/2010 07:23

(HNM)- Theo cảnh báo mới nhất của Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), Ba Vì là một trong 9 khu vực của cả nước có nguy cơ cháy ở cấp nguy hiểm, cấp IV. Rừng ở Ba Vì chiếm gần 50% diện tích rừng toàn thành phố, được coi là lá phổi xanh của Thủ đô, do đó công tác phòng chống, chữa cháy rừng (PCCCR) cần được đặc biệt quan tâm.


Đường vào Vườn quốc gia Ba Vì.


Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, tổng diện tích đất lâm nghiệp của huyện Ba Vì là 11.160,3ha, trong đó đất có rừng là 10.224,6ha, diện tích rừng tự nhiên là 1.754,8ha, rừng trồng là 8.465,8ha. Rừng ở Ba Vì được phân bổ trên 17/31 xã, thị trấn, tập trung chủ yếu vào 7 xã miền núi vùng đệm Vườn quốc gia Ba Vì và khu rừng đặc dụng K9. Ông Nguyễn Xuân Dung, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ba Vì cho biết, do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài rất dễ xảy ra cháy rừng. Đáng chú ý, rừng Ba Vì có ít suối lớn, khả năng giữ nước rất thấp, nếu để xảy ra cháy, rừng ở những khu vực này rất dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh.

Ông Nguyễn Văn Diện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm rừng quốc gia Ba Vì cho biết: Vườn quốc gia Ba Vì có hơn 900 loài thực vật bậc cao, 45 loài thú và 115 loài chim. Chính vì vậy, PCCCR ở Vườn quốc gia Ba Vì còn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong công tác bảo tồn, lưu giữ thảm thực vật quý hiếm này.

Còn theo nhận định của ông Nguyễn Đình Trần, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Ba Trại, đơn vị phụ trách rừng tại 7 xã miền núi Ba Vì, nguyên nhân chủ yếu gây ra cháy rừng do việc dùng lửa bất cẩn, thiếu kiểm soát của người dân trong khi làm nương rẫy, sưởi ấm cho trâu bò... Ngoài ra, trong thiết kế trồng rừng mới có đường băng cản lửa; khi chăm sóc, tu bổ rừng chưa loại bỏ vật liệu dễ cháy. Do vậy, để công tác PCCCR đạt hiệu quả phải làm tốt công tác tuyên truyền để chủ rừng và dân nơi có rừng nhận thức được trách nhiệm của mình cũng như hiểu rõ tai họa từ cháy rừng đối với đời sống của họ. Ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, giáo dục, cán bộ kiểm lâm phải xây dựng được mạng lưới thông tin trong nhân dân vùng đệm để có thể phát hiện nhanh nhất các đám cháy, khu vực cháy. Hiện ngoài lực lượng kiểm lâm chuyên trách, quanh vườn quốc gia Ba Vì còn có 16 tổ, đội của 16 xã vùng đệm do phó chủ tịch UBND các xã làm tổ trưởng. Đây chính là mạng lưới hết sức quan trọng trong công tác phát hiện và PCCCR. Hằng năm, các lực lượng này đều được tổ chức tập huấn hai kỳ vào dịp đầu và cuối năm về các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy. Vào mùa hanh khô, hầu hết các trạm kiểm lâm, tổ xung kích tại xã đều phân công cán bộ thường xuyên tuần tra trong rừng, trực chiến 24/24h để ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Tuy nhiên, nhiều cán bộ kiểm lâm kiến nghị, lực lượng kiểm lâm hiện nay còn quá mỏng, khó có thể kiểm soát được hết địa bàn mình theo dõi. Ngoài ra, chế độ đối với tổ xung kích PCCCR tại các xã chưa được quan tâm đúng mức nên việc huy động nhân dân tham gia tổ xung kích PCCCR còn nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vườn quốc gia Ba Vì: Nhiều khó khăn trong phòng cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.