Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vùng quê không bình yên

Quản Hạnh| 11/04/2015 07:03

(HNM) - Quanh năm, người nông dân khu vực ven Đáy xã Song Phương, huyện Hoài Đức hai sương một nắng. Thế nhưng, khi chưa kịp thu hoạch, toàn bộ số nông sản của họ bị các đối tượng trộm cắp


Sơ sảy là mất, người dân hoang mang

Đến xã Song Phương, chúng tôi hỏi người dân về tình hình an ninh nông thôn, người nào người nấy lắc đầu ngán ngẩm. Bà bán quán nước đầu xã bảo: "Chó treo, mèo đậy, có của thì mình phải giữ. Bà con sơ sảy chút là trộm khoắng sạch ngay". Trục chính vào thôn Một, thôn Hai, tại cửa hàng rèn của ông Nguyễn Văn Lương có rất đông người tập trung bàn tán về những vụ trộm vừa qua ở xã. Anh Vũ Đình Mão, người dân thôn Một liệt kê hàng loạt các vụ mất trộm chó, lợn; có hộ thì mất hàng trăm quả bưởi Diễn, mất ti vi; lại có vụ, trộm không lấy mà chỉ phá hoại, làm hỏng hàng chục cây ăn quả và cây cảnh đắt tiền. Mất trộm ban ngày cũng có, ban đêm cũng có, tin tức loan ra khiến cả vùng quê yên bình ven sông Đáy xôn xao, thấp thỏm.

Ông Vũ Tiến Băng chăm sóc đàn lợn nhưng canh cánh nỗi lo mất trộm.


Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Tiến Băng, thôn Một, gia đình vừa bị mất trộm 2 con lợn và 1 con chó buổi trưa mùng hai tết Ất Mùi. Căn chòi tạm để trông coi nông sản tuềnh toàng, ông Băng dáng người nhỏ thó, đen nhẻm, lộ rõ sự vất vả. Giọng trầm buồn, ông tâm sự: "Hơn chục năm nay hai vợ chồng tôi ra khu đồng giáp làng để làm trang trại. Gần 1 mẫu ruộng, tôi trồng đủ loại từ đu đủ, bưởi, chanh và rau… Ở cái đất này, để trồng xong mà được thu, chúng tôi phải bỏ cả nhà ở trong làng, ra đây sống tạm bợ để trông coi. Thế nhưng hễ sểnh ra vài giờ đã bị mất trộm". Ông Băng cho biết thêm: "Hôm mùng hai tết Ất Mùi, vợ chồng tôi tranh thủ về nhà ở trong làng (thôn Một) từ 10h0 trưa đến 2h30 chiều, vậy mà trộm vào "ẵm" đi 2 con lợn rừng, mỗi con 25kg, 1 con chó nặng khoảng 8kg. Với nhiều người, số tài sản đó chẳng đáng là bao, song với gia đình tôi thì đó là cả một năm làm lụng vất vả".

Cách nhà ông Băng chỉ vài trăm mét, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sinh ở xứ đồng Cây Đa cũng bị trộm nhòm ngó. Ông Sinh nhớ lại: Vào tháng 1-2015 (giáp tết Ất Mùi), trong thôn có đám hiếu nên mọi người trong nhà dồn về hết trong thôn. Chỉ trong đêm, kẻ trộm lẻn vào vặt mất 600 quả bưởi Diễn, trong đó có 2 cây bưởi cảnh, 6 cây cam cảnh được chăm sóc tỉ mỉ để bán dịp Tết cũng bị vặt hết quả. Không chỉ mất nông sản, đồ đạc trong nhà tạm gồm ti vi, chăn gối, dụng cụ làm vườn đều bị "quét sạch"; ước thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Sinh đã làm đơn trình báo lên Công an xã nhưng đến nay vụ việc vẫn bặt vô âm tín.

Chuyện cũng xảy ra với gia đình ông Vũ Văn Lợi, thôn Hai, xã Song Phương. Ông Lợi thuê đất canh tác tại xã An Thượng (giáp ranh với cánh đồng Song Phương) để làm vườn với diện tích gần 3.000m2. Vào một đêm cuối tháng 12-2014, khi đang ngủ, ông nghe thấy tiếng chặt cây ngoài vườn, nên gọi anh Trung (người làm thuê) cùng ra kiểm tra thì phát hiện một người đàn ông đang dùng dao chặt cây. Ông Lợi chạy sang vườn bên gọi thêm một số người để vây bắt thì đối tượng bỏ chạy. Vụ phá hoại trên, vườn nhà ông đã bị chặt tận gốc và phá nát 65 cây phật thủ, 5 cây chanh đào, 9 cây cam và 42 cây ngũ quả, thiệt hại cả chục triệu đồng.

Người mất xót của đã đành, người không mất của cũng thường trực tâm lý hoang mang. Bà Nguyễn Thị Ngân, vợ ông Băng quả quyết rằng, sống già nửa đời người ở xã Song Phương nhưng chưa bao giờ thấy tình hình an ninh trên địa bàn lại phức tạp như bây giờ. Trong lúc hoang mang, nhiều người đã "đổ lỗi" cho những tuyến đường giao thông nội đồng được đầu tư khang trang. "Ngày xưa, khi đường giao thông nội đồng còn là đường đất, đi lại khó khăn, chuyện trộm lại ít. Từ khoảng 2 năm trở lại đây, khi những tuyến đường được đầu tư khang trang thì cũng đồng nghĩa với việc trộm cắp gia tăng" - vợ chồng ông Băng, bà Ngân cho biết.

Trao đổi về những vụ việc mất trộm tài sản, gây mất trật tự trị an nói trên, Chủ tịch UBND xã Song Phương Long Thanh Bé khẳng định, nạn trộm cắp trên địa bàn xã nêu trên là có thực. Tình trạng trộm cắp nổi lên với quy mô ngày càng lớn hơn, mật độ dày hơn từ cuối năm 2014 trở lại đây. Kẻ gian thường lợi dụng sơ hở của người dân trong lúc vắng nhà để trộm cắp, đặc biệt là tại các khu chuyển đổi mô hình sản xuất ngoài khu vực đất bãi, thưa vắng người nên rất khó phát hiện và vây bắt. Địa phương cũng đang "đau đầu" để đối phó với tệ nạn này nhằm bảo vệ an ninh trật tự và tài sản cho người dân. Số tài sản bị mất có giá trị vài triệu đến vài chục triệu đồng nhưng đối với nông dân thì đó là khối tài sản không nhỏ.

Chính quyền chưa tròn trách nhiệm?

Theo các hộ dân thì để xảy ra nạn trộm cắp gia tăng trong thời gian qua một phần do lực lượng an ninh nông thôn quá mỏng và làm chưa hết trách nhiệm. Sau khi xảy ra sự việc, người dân báo cáo gửi chính quyền sở tại, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm. Các hộ dân đều mong muốn các cơ quan chức năng sớm ngăn chặn, bắt giữ thủ phạm để người dân yên tâm sản xuất.

Làm việc với Công an huyện Hoài Đức, Đội trưởng Đội Tổng hợp Nguyễn Thạc Thắng cho biết, trong số 3 vụ mất trộm lớn trên địa bàn liên quan đến người dân xã Song Phương thời gian gần đây, Công an huyện mới nhận được thông tin 1 vụ, đó là vụ mất trộm của gia đình ông Vũ Văn Lợi. Vụ việc này, Công an huyện đã khám nghiệm hiện trường, định giá tài sản thiệt hại là 42 triệu đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức đã tiến hành rà soát các đối tượng khả nghi trên địa bàn nhưng vẫn chưa xác định được đối tượng gây án. Còn đối với 2 vụ mất trộm tại hộ ông Băng và ông Sinh, Công an huyện chưa nắm được tình hình!?

Ông Thắng cũng cho rằng, Hoài Đức là địa bàn đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, lại giáp với khu vực nội thành nên khi bị lực lượng chức năng các quận kiểm soát chặt, trộm thường "dạt" về đây. Về phía chủ quan, hiện nay, hoạt động của lực lượng an ninh nông thôn vẫn còn nhiều bất cập vì theo quy định, mỗi xã có một cán bộ công an huyện phụ trách. Ở các xã, tùy theo mức độ dân cư để bố trí lượng công an xã và công an viên. Đối với xã Song Phương, theo quy định có 18 người, tuy nhiên hiện đang thiếu tới hai phó công an xã và ba công an viên nên nhân lực mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng. Công an xã phải thực hiện toàn bộ chỉ đạo của Công an huyện, cấp ủy, chính quyền cơ sở, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn nên công việc bộn bề. Phụ cấp của công an xã và công an viên rất thấp (Trưởng Công an xã hưởng lương hơn 2 triệu đồng; tổ thường trực hưởng mức lương hơn 1 triệu đồng; công an viên ở các thôn 805 nghìn đồng) nên không thu hút được lực lượng tham gia… Tuy nhiên, có thể thấy rõ, trong số 3 vụ trộm cắp lớn liên quan đến người dân xã Song Phương, Công an huyện chỉ nắm được 1 vụ chứng tỏ giữa công an xã và Công an huyện chưa có thông tin kịp thời, sâu sát.

Hiện nay, "an ninh trật tự" là một trong 19 tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ câu chuyện xảy ra ở xã Song Phương thời gian qua thiết nghĩ, việc triển khai xây dựng NTM không chỉ nên tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn phải quan tâm đặc biệt đến việc giữ gìn bình yên cho làng quê. Bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn để người dân nông thôn an tâm sinh sống, phát triển kinh tế mới là gốc rễ của một vùng quê hiện đại, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng quê không bình yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.