Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vững bước, tự tin, trào dâng khát vọng

Hoàng Thu Vân| 01/01/2014 06:07

(HNM) - Cuối năm 2013, Hà Nội vẫn chưa dứt những ngày giá lạnh kéo dài từ trước dịp Noel. Nhưng trời đã hửng nắng như để trang điểm, làm đẹp thêm cho các đường phố Thủ đô rực rỡ cờ hoa đón chào năm mới.

Tuy nhiên, tĩnh tại để nhìn lại 365 ngày đã qua âu cũng là cần thiết. Còn nhớ, khi dự báo về năm 2013, hàng loạt khó khăn, thách thức đã được "điểm mặt chỉ tên" nhưng nhìn lại năm qua cũng không thể ngờ khó khăn lại gay gắt, thử thách lại phức tạp đến vậy. Thậm chí có cả những chuyện bất bình thường, không ai có thể tính toán, lường trước. Ví như thời điểm này, đợt rét đậm, rét hại kèm theo băng giá và sương muối vẫn đang hoành hành tại nhiều địa phương ở khu vực Bắc bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và hoạt động sản xuất của người dân, gây thiệt hại lớn về tài sản. Tuyết rơi ở Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Đồng Văn (Hà Giang) không còn được xem là hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên như trước, mà giờ đó thực sự là cơn thịnh nộ của ông trời trút xuống hạ giới. Những lớp băng tuyết dày tới 40-50cm tồn tại nhiều ngày cùng cái lạnh cắt da cắt thịt đã khiến hàng nghìn trâu bò vốn là tài sản quý nhất của nhà nông gục ngã, hàng trăm nghìn héc ta hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp mất trắng thu hoạch…

Hà Nội đang nỗ lực phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với niềm tin yêu và sự kỳ vọng của đồng bào cả nước. Ảnh: Phương Nguyên


Nhưng không riêng chúng ta, năm 2013 nhân loại còn phải chứng kiến đỉnh điểm cho sự giận dữ của thiên nhiên thể hiện qua cơn bão Haiyan vào hồi đầu tháng 11. Quét ngang qua miền Trung Philippine, bão Haiyan đã biến nhiều thành phố, làng mạc trở thành hoang phế, hàng chục nghìn người chết, mất tích, không còn nhà cửa. Dù may mắn khi phút cuối bão Haiyan đổi hướng, không tiến thẳng vào Việt Nam như dự kiến ban đầu, song ảnh hưởng của nó cũng đã khiến hàng chục người chết, thiệt hại về tài sản lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Với miền Trung, Tây Nguyên, bão chồng lên bão, nhìn mất mát thiệt hại mà nhói lòng khi mồ hôi, công sức bao ngày của người dân cuốn trôi theo nước lũ. Ngay cả địa bàn Thủ đô cũng là vùng ảnh hưởng mà hậu quả để lại không thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Vẫn chưa hết, những điều đó xảy ra trong bối cảnh "cơn bão" khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu dai dẳng quần thảo suốt từ năm 2008 tới giờ vẫn chưa tan. Dù đã bước sang năm thứ 5 nhưng tác động, ảnh hưởng tiêu cực của nó tới đời sống kinh tế vẫn diễn ra gay gắt và khốc liệt. Kinh tế tuy đã ngăn được suy giảm nhưng vẫn hết sức khó khăn, lạm phát được kiềm chế nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp bị giải thể, ngừng hoạt động, một bộ phận người lao động thiếu việc làm… Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm, qua phân tích, đánh giá tình hình, nguy cơ hụt thu ngân sách đã hiển hiện. Ngay với Hà Nội, một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, Thủ đô đối diện với việc hụt thu ngân sách, như nhận định của các chuyên gia, nếu đạt trên 85% kế hoạch được giao đã là sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc…

Ấy vậy nhưng ở vào khoảng thời gian quyết định, chúng ta đã có sự bứt phá ngoạn mục. Cụ thể, Hà Nội đã hoàn thành vượt dự toán với tổng thu ngân sách nhà nước, đạt 150.200 tỷ đồng, đóng góp đáng kể cho ngân sách trung ương; tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,25% (năm 2012 là 8,06%); so với cả nước, tăng trưởng kinh tế của Thủ đô bằng 1,53 lần mức tăng chung. Chúng ta có được những con số khô khan nhưng đầy ý nghĩa đó không phải bằng sự may mắn. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", ý chí, bản lĩnh của con người một lần nữa được thử thách trong hoàn cảnh cam go. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp cùng cả hệ thống chính trị của thành phố đã kề vai, sát cánh với người dân, doanh nghiệp giải quyết từng khó khăn, vướng mắc. Những "nút thắt" về cơ chế, chính sách được điều chỉnh, các giải pháp cụ thể được đưa ra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thông suốt từ thành phố tới cơ sở, việc phân cấp được tăng cường theo hướng rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ trách nhiệm. Tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển Thủ đô trên cơ sở đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm để giải quyết thấu đáo các vấn đề…

Với số đảng viên chiếm 1/10 tổng số đảng viên của cả nước, thuận lợi của Hà Nội là việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng" đã giúp cho Đảng bộ Thủ đô có những bước chuyển quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tinh thần tự soi, tự sửa đã thực sự nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những hạn chế, yếu kém được chỉ rõ và từng bước khắc phục, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ năng lực, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức. Đây chính là nền móng để thành phố có thể giải quyết hiệu quả một khối lượng lớn công việc sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Cùng với đó, từ ngày 1-7-2013 Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực, là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật áp dụng cho một đơn vị hành chính đặc thù - một đô thị đặc biệt, tạo ra cơ chế phù hợp với yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô.

Những ngày cuối năm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị các làng cổ ở Hà Nội". Đây là một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong giai đoạn phát triển mới của Thủ đô. Giải quyết xung đột trong công tác bảo tồn và xu hướng phát triển của các làng cổ, làng nghề truyền thống tại địa bàn Hà Nội là một công việc khó. Thậm chí vô cùng phức tạp khi có nhiều luồng ý kiến khác nhau tương tự như dự án xây cầu vượt tại vùng đất ẩn chứa di tích đàn Xã Tắc. Lại có những khía cạnh trong từng công việc vốn chưa có tiền lệ, chưa phải những "lối đi đã trở thành đường". Còn nhớ câu chuyện gần 80 người dân địa phương ký đơn xin trả lại danh hiệu Làng cổ Đường Lâm làm xôn xao dư luận. Nhưng phía sau sự ồn ã, rõ ràng các nhà quản lý cùng những người làm công việc chuyên môn phải suy nghĩ xem những công bộc thời nay đã gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân đến đâu? Người lãnh đạo đứng đầu thành phố đã dành trọn một ngày để đối thoại và tiếp thu những ý kiến đóng góp của người dân làng cổ; Một bí thư huyện ủy lăn lộn cùng ăn, cùng ở với người dân "điểm nóng" để thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng chính đáng mà lựa chọn phương án giải quyết phù hợp. Những điều đó là rất cần để các cơ chế, chính sách, giải pháp ban hành có thể khả thi, phát huy hiệu quả trong đời sống. Có như vậy mới có thể hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy các giá trị truyền thống một cách có chọn lọc, đồng thời tuân thủ quy luật vận động, phát triển, chấp nhận sự khác biệt mang tính thời đại.

*
* *

Hà Nội hôm nay đã có thế và lực mới, sức mạnh được nhân lên gấp bội khi đã hội tụ đủ các yếu tố cần và đủ cho quá trình phát triển của một giai đoạn mới. Hơn 1000 năm trước, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn đã xem xét thấu tỏ mọi phương diện và nhận định Thăng Long - Hà Nội "là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời". Không chỉ là tựa núi hướng biển với thế "rồng cuộn hổ ngồi", Thủ đô hôm nay đã vươn mình tiến những bước dài, với vóc dáng và hình hài rạng rỡ, xứng đáng với niềm tin yêu và sự kỳ vọng của đồng bào cả nước. Năm 2014 chắc chắn vẫn còn không ít khó khăn, thử thách nhưng với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng và ý chí vươn lên hòa nhịp theo dòng chảy của thời đại, chúng ta có đầy đủ cơ sở tự tin thực hiện công cuộc kiến tạo lịch sử trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.

Vững bước, tự tin, đón chào năm mới!

Biển hoa, biển người trong rộn ràng lời ca, tiếng hát cùng khát vọng về một tương lai ngời sáng đã làm những ngày đông giá trở nên ấm áp lạ thường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vững bước, tự tin, trào dâng khát vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.