Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vun “gốc rễ” của Đảng

Hương Ly| 08/05/2018 06:59

(HNM) - Những vụ bổ nhiệm “thần tốc” người thân, người nhà được dư luận phản ánh thời gian gần đây thêm một lần nữa khẳng định, cần thận trọng hơn nữa khi thực hiện công tác cán bộ nhằm vun trồng “gốc rễ” của Đảng.

Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực... Như thế cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng”.

Những vụ bổ nhiệm “thần tốc” người thân, người nhà được dư luận phản ánh thời gian gần đây thêm một lần nữa khẳng định, cần thận trọng hơn nữa khi thực hiện công tác cán bộ nhằm vun trồng “gốc rễ” của Đảng.

Công tác cán bộ - vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - luôn được Đảng chú trọng. Trong ảnh: Lớp cập nhật kiến thức dành cho các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII.Ảnh: Mạnh Thắng


Từ những vụ bổ nhiệm “thần tốc”

Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến đường thăng tiến nhanh chóng của ông Lê Phước Hoài Bảo (sinh năm 1985, con trai của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh). Ngay sau khi ra trường năm 2012, ông Lê Phước Hoài Bảo đã liên tục được bổ nhiệm nắm giữ nhiều trọng trách tại tỉnh Quảng Nam và đến tháng 9-2015, được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam khi vừa tròn 30 tuổi; đồng thời trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam. Đầu tháng 2 vừa qua, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã kết luận: Trên cương vị người đứng đầu, ông Lê Phước Thanh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”, Ban Bí thư quyết định kỷ luật ông Lê Phước Thanh bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015.

Trước đó, liên quan đến việc bổ nhiệm, quy hoạch “thần tốc” người thân, người nhà, ông Hà Quốc Phong, Phó Bí thư Thành ủy Đồng Hới (Quảng Bình) bị kỷ luật, điều chuyển công tác. Vụ bổ nhiệm “thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cũng đã khiến các cán bộ có liên quan bị kỷ luật, cách chức.

Nhận xét về các vụ bổ nhiệm “thần tốc” thời gian qua, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, sự tồn tại của "chủ nghĩa thân hữu", mối quan hệ dòng họ, "lợi ích nhóm" trong công tác cán bộ chính là biểu hiện của sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Thực tế này cũng cho thấy lợi ích nhóm đang len lỏi trong công tác cán bộ tại nhiều địa phương trên cả nước. Điều này dẫn đến việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình, đưa người kém năng lực vào các vị trí lãnh đạo; là tiền đề của tham nhũng, bè phái, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. "Sẽ rất nguy hại nếu cán bộ không đủ đức, đủ tài vẫn len lỏi vào các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan công quyền. Điều này làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cán bộ" - ông Nguyễn Tiến Dĩnh phân tích.

Chăm lo “gốc rễ” của mọi công việc

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Người đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người đã chỉ ra những sai lầm trong việc sử dụng cán bộ: “Lúc dùng cán bộ, nhiều người đã phạm vào sai lầm sau đây: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực... Như thế cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở, khi sử dụng cán bộ cần phòng tránh óc bè phái, chủ nghĩa cá nhân: “Chớ vì bà con bầu bạn mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những người có tài năng hơn mình”.

Phân tích về công tác cán bộ và việc bổ nhiệm cán bộ trẻ nắm giữ các vị trí quan trọng, Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, việc trẻ hóa cán bộ ở tất cả các cấp phải kèm theo một số điều kiện, quy định và cơ chế để chủ trương đó diễn ra lành mạnh chứ không phải là một hiện tượng tiêu cực. Cán bộ trẻ phải là những người được đào tạo cơ bản, có thực lực rồi có thực tài. Để những “hạt giống đỏ” không bị thui chột giữa chừng thì phải gắn chặt quyền lợi với trách nhiệm, nghĩa vụ. Sự rèn luyện của cá nhân phải được quy chế hóa buộc cán bộ trẻ phải học và làm việc như thế nào, phải được kiểm soát đánh giá ra sao, phạm khuyết điểm, sai lầm thì phải bị xử lý nghiêm túc và nghiêm khắc, nếu không đáp ứng được yêu cầu thì phải thay thế. Hiện tượng vào - ra, lên - xuống phải coi là hiện tượng bình thường để mỗi người không rơi vào chủ quan đã vào cương vị thì nắm giữ suốt.

Liên quan đến công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cấp ủy Đảng kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, nhằm thanh lọc đội ngũ. Những quyết định kỷ luật nghiêm khắc với hành vi bổ nhiệm “thần tốc”, sai quy định với người nhà, người thân vừa qua một lần nữa đã khẳng định quyết tâm giữ vững kỷ luật Đảng, góp phần giúp cán bộ thực sự có năng lực có điều kiện phát triển. Nỗ lực này cũng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và củng cố niềm tin của nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vun “gốc rễ” của Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.