(HNM) - Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân ra sức thi đua trên các lĩnh vực công tác. Tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc diễn ra ngày 11-6, có 700 điển hình tiên tiến là các tập thể, cá nhân tiêu biểu, người trực tiếp lao động sản xuất, công tác trên các lĩnh vực. Không chỉ trong thời chiến mà ngay trong thời bình, dù ở các độ tuổi khác nhau, song họ đều chung ý chí, khát vọng cống hiến, vun đắp thêm những điều ý nghĩa trong cuộc sống.
Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn:
Học Bác việc quan tâm thế hệ trẻ
Tôi rất may mắn và thấy hạnh phúc vì đã 2 lần được gặp Bác Hồ. Tôi biết ơn Bác vì Bác luôn vì dân, vì nước, gần gũi, thân thương, đặc biệt là với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Tình cảm ấy là động lực giúp tôi luôn vì thế hệ trẻ, vừa dạy học, vừa tích cực làm công tác xã hội. Từ khi là “anh giáo làng”, hay trong quá trình công tác ở nhiều vị trí khác nhau, tôi cùng các thầy giáo và các em học sinh tổ chức những hoạt động gắn với học tập tư tưởng của Bác, như: “trồng cây”, “thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ”.
Ông K’Tiếu, dân tộc K’Ho (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng):
Phấn khởi giúp dân xây dựng nông thôn mới
Trong vai trò là Già làng, tôi thường tuyên truyền sâu cho bà con về sự khác biệt giữa cuộc sống nông thôn cũ và nông thôn mới cũng như sự phát triển kinh tế khi đổi mới, từ đó, vận động bà con, buôn làng hiến đất làm đường, tích cực bảo tồn văn hóa trong thôn. Gần 60 năm qua, tôi thường xuyên sưu tầm cồng chiêng và các điệu cồng chiêng khác nhau trong văn hóa của bà con dân tộc. Giờ đây nhìn đường giao thông của thôn khang trang, sạch sẽ, bà con biết làm kinh tế, bản sắc văn hóa được giữ gìn, đời sống người dân phát triển, tôi thấy rất phấn khởi.
Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Phòng PC 07, Công an thành phố Hồ Chí Minh:
Luôn sẵn sàng cứu người
Gắn bó với công tác cứu nạn, cứu hộ hơn 22 năm qua, nhiều vụ cứu nạn biết là mình có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng, song chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ dừng lại bởi không muốn nỗi đau của những người thân của người bị nạn còn mãi. Dù trường hợp bất trắc có thể hy sinh thì tôi vẫn chấp nhận. Cứu nạn, cứu hộ là công việc đặc thù, chúng tôi được đào tạo để “cứu cái còn trong cái mất”, người ta chạy ra thì chúng tôi chạy vào, không cần biết nạn nhân là ai chúng tôi vẫn hết lòng tìm kiếm và cứu họ. Không biết bao nhiêu lần bị chấn thương, đứt tay, đứt chân, viêm phổi mãn tính nhưng ngay khi được điều động là tôi sẵn sàng lên đường, bất cứ lúc nào.
Chị Nguyễn Thị Oanh, vận động viên môn điền kinh:
Tự hào với màu cờ, sắc áo của dân tộc
Trong không khí trang trọng và hòa chung vào tinh thần thi đua ái quốc, tôi luôn nghĩ đến 5 điều Bác Hồ dạy, mà ngay điều đầu tiên đã gợi lên tình yêu và niềm tự hào dân tộc sâu sắc, đó là “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Đó là một lý tưởng cao đẹp mà mỗi người dân Việt Nam luôn khắc sâu, luôn cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng chính là nguồn động lực to lớn cổ vũ tôi mỗi ngày hăng say tập luyện, rèn luyện, thi đấu và tự hào với màu cờ, sắc áo của dân tộc.
Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX Sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng:
Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế
Tôi thấy rất vinh dự và tự hào khi là một trong 8 cá nhân điển hình xuất sắc được thành phố Hà Nội cử đi dự hội nghị. Tôi rất hồi hộp trước sự kiện này và đến nơi thấy khâu tổ chức thật chu đáo, chương trình tổ chức vừa trang trọng, vừa gần gũi, xúc động. Bản thân tôi thấy học hỏi được nhiều điều đáng quý từ những cá nhân bình dị trong đời thường đã nỗ lực làm được bao điều tốt cho những người xung quanh. Với những thành quả đạt được trong công việc của mình, đặc biệt là sự ghi nhận của thành phố và trung ương, tôi luôn tự nhủ không lúc nào ngừng nghỉ, “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” mà phải luôn cố gắng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.