(HNM) - Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ thành phố Hà Nội thường xuyên thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiều nữ hòa giải viên đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết kịp thời những xích mích, mâu thuẫn láng giềng, vợ chồng..., giữ gìn an ninh trật tự từ cơ sở, vun đắp sự hòa thuận từ mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.
Trước đây, chị N.T.N. ở thôn Quyết Tiến (xã Vân Côn, huyện Hoài Đức) thường xuyên bị chồng bạo hành, gia đình không hòa thuận. Nhờ cán bộ Hội Phụ nữ nhiều lần gặp gỡ hòa giải, hiện vợ chồng chị N. đã bỏ qua khúc mắc, nỗ lực làm ăn, lo cho con cái. Tham gia hòa giải trực tiếp vụ việc, chị Vũ Thị Đầm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Quyết Tiến cho biết: “Khi hòa giải, tôi tìm hiểu kỹ nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, từ đó phân tích điều hay, lẽ phải để các bên cảm thông với nhau, giúp họ bỏ qua bất hòa”.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia hòa giải ở khu dân cư số 4 (phường Nam Đồng, quận Đống Đa), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nam Đồng Nguyễn Thị Minh Hạnh đã góp phần hòa giải thành công nhiều vụ việc gia đình bất hòa, hàng xóm mâu thuẫn. Trong đó, bà Hạnh nhớ nhất vụ việc mâu thuẫn giữa mẹ chồng với nàng dâu và phải kiên trì gần 6 tháng hòa giải mới thành công...
Theo bà Dương Thị Lý Anh, Trưởng ban Chính sách luật pháp (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành phố Hà Nội), thời gian qua, các cấp hội đã tổ chức hơn 3.200 buổi tập huấn, tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở cho gần 485.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ; phát 2.250 cuốn Luật Hòa giải ở cơ sở; tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hơn 111.000 lượt người, gần 7.700 vụ việc được tư vấn trực tiếp; thành lập 1.883 địa chỉ tin cậy, hòa giải được 7.694 vụ việc mâu thuẫn gia đình...
Là thành viên nòng cốt của tổ hòa giải, các nữ hòa giải viên quận Hoàn Kiếm đã góp phần không nhỏ trong hoạt động hòa giải tại cơ sở. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàn Kiếm Trịnh Thị Huệ cho biết: Quận hội có 163 tổ hòa giải với 793 hòa giải viên, trong đó 452 người là cán bộ, hội viên phụ nữ. Các vụ việc mâu thuẫn được phát hiện kịp thời, giải quyết từ khi mới phát sinh, nên hơn 90% những khúc mắc đều được hòa giải thành công.
Tương tự, theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thêm, 100% tổ hòa giải trên địa bàn đều có phụ nữ tham gia. Trong 5 năm, tổng số vụ việc cán bộ hội tham gia hòa giải là 1.314, trong đó hòa giải thành công 948 vụ (đạt 72%), chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong gia đình...
Tuy nhiên, theo bà Dương Thị Lý Anh, bên cạnh những mặt tích cực, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn gặp một số khó khăn do đa số hòa giải viên nữ phải kiêm nhiệm nhiều vị trí công tác, thời gian nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, nâng cao kỹ năng hòa giải còn hạn chế. Cùng với đó, một số hòa giải viên chưa mạnh dạn, ngại va chạm nên việc tham gia giải quyết các vụ việc phát sinh chưa kịp thời…
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, thời gian tới, hội sẽ tăng cường công tác phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Luật gia thành phố Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn luật pháp cho phụ nữ. Đồng thời củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình, tổ hòa giải, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, hội viên phụ nữ trong tuyên truyền pháp luật và tham gia hòa giải tại cơ sở, góp phần hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ cuộc sống hằng ngày...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.