Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vun đắp cho tương lai

Thiện Mỹ| 10/03/2021 06:07

(HNM) - Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai, với ý nghĩa đặc biệt đó, trẻ em luôn được toàn xã hội quan tâm, đầu tư, phát triển. Bảo đảm cho các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện luôn là mục tiêu xuyên suốt được Đảng, Nhà nước ta thực hiện thời gian qua.

Thực tế đó thể hiện nhất quán trong các hoạt động liên quan đến trẻ em ở mọi cấp, mọi ngành. Trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với chức năng quản lý nhà nước được giao đã tích cực tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật về trẻ em và đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện; ngành Công an đẩy mạnh việc phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em... Nhờ đó, các quyền của trẻ em và những vấn đề phát sinh về trẻ em được quan tâm giải quyết.

Với Hà Nội, thành phố cũng luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ mầm non. Để các em được bảo vệ tốt hơn, mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 5-3-2021 về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, nhiều mô hình tạo lập môi trường sống lành mạnh cho các em cũng được triển khai như: “Thành phố an toàn”, “Làng quê an toàn”, “Trường học an toàn”, “Gia đình an toàn”...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực vẫn còn một số tồn tại liên quan đến trẻ em như: Bạo lực, xâm hại tình dục; xâm hại trên môi trường mạng; tử vong do tai nạn, thương tích; lạm dụng lao động trẻ em... Thực trạng trên là bởi một số cơ quan, đơn vị, địa phương, gia đình còn thiếu trách nhiệm, chưa làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; việc áp dụng chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời...

Trẻ em là tương lai của đất nước; đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Do đó, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng và mỗi gia đình. Song không phải ngẫu nhiên mà các quy định pháp luật hiện hành lại đề cao vai trò của gia đình với hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Thành lũy bền chắc nhất bảo vệ các em chính là mỗi gia đình. Khi mỗi “tế bào xã hội” thực hiện đúng bổn phận, trách nhiệm trong bảo vệ trẻ em, chúng ta sẽ tạo dựng được xã hội an toàn.

Các cấp, ngành liên quan cũng cần thực thi hiệu quả những cơ chế, chính sách pháp luật về công tác trẻ em, mà gần đây nhất là Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Các vụ việc xâm hại trẻ em cần được xử lý kịp thời và bảo vệ lợi ích tốt nhất cho trẻ. Mỗi cán bộ thực thi nhiệm vụ phải hành động bằng cả lương tâm, trách nhiệm, bảo đảm quyền được sống trong an toàn của các em.

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và đoàn thể, tổ chức xã hội, nhất là cấp cơ sở cần nhận thức đầy đủ, tập trung hơn cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng để mọi người nhận thức rõ tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật; bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em; chú trọng nhân rộng những mô hình an toàn cho trẻ...

Với sự chung tay bảo vệ của cả cộng đồng, trẻ em sẽ được an toàn để phát triển toàn diện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vun đắp cho tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.