Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui, buồn thưởng Tết

Nữ Quỳnh| 25/12/2012 05:46

(HNM) - Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp cuối năm thì chuyện thưởng Tết lại là mối quan tâm hàng đầu của người lao động. Mấy ngày nay, đã có doanh nghiệp công bố mức thưởng Tết với những con số lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Thế nhưng, chẳng nói thì ai cũng hiểu, đây chỉ là hiện tượng cá biệt, thường dành cho những vị trí lãnh đạo. Trong khi đó, thông tin đến nay phần nhiều vẫn là khó khăn. Đặc biệt, đã có doanh nghiệp lớn và một số ngân hàng, có mức thưởng cao những năm trước, thì nay tuyên bố giảm hoặc cắt khoản thưởng này.

Tại Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mức thưởng của nhóm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bình quân là 3 triệu đồng; khối doanh nghiệp cổ phần nhích hơn tí ti, được hơn 3 triệu đồng; còn khối dân doanh không có nhiều đột phá, chỉ dừng ở ngưỡng gần 4 triệu đồng.

Như vậy, khoản thưởng bình quân tầm 3-4 triệu đồng này xem ra không khiến người lao động vui được, vì nó chẳng nhằm nhò gì so với tình hình giá cả "đến hẹn lại tăng" mỗi dịp cuối năm. Có tiền thưởng đấy, nhưng có khi còn thêm lo, bởi phải tính toán chi tiêu sao cho hợp lý.

Tất nhiên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Khó có thể đòi hỏi phải có mức sàn hay trần cho việc này. Thực tế thì năm nào cũng vậy, phần lớn người lao động vẫn chỉ được nhận một khoản thưởng nhỏ, xem như động viên là chính. Thậm chí vẫn còn nhiều người lao động, viên chức phải ngậm ngùi vì không nhận được bất cứ khoản nào.

Năm nay, còn một thực tế khác liên quan đến người lao động khiến chúng ta phải trăn trở. Đó là con số gần 1 triệu người thất nghiệp. Tức là cũng có ngần ấy người có thể sẽ chưa biết lấy gì để lo Tết cho gia đình.

Vấn đề chính là ở chỗ này. Khi các khoản thưởng Tết không chỉ mang ý nghĩa là khoản thu nhập tăng thêm nữa, mà còn có giá trị tinh thần rất lớn, mang lại niềm vui cho người lao động. Nhận mức thưởng cao là "ăn tết to", thưởng nhỏ thì xem như "mất tết". Tức là, với nhiều gia đình: Có vui hay không, có không khí xuân hay không, có được về quê hay không… phụ thuộc quan trọng vào khoản này.

Một khoản thu nhập không cố định từ lâu đã trở thành niềm vui không nhỏ của nhiều gia đình. Nhưng thưởng Tết, khoản tiền không bị pháp luật ràng buộc ấy, có khi lại thành nỗi phiền toái. Thực tế có nhiều doanh nghiệp cứ đến dịp cuối năm lại ồn ào thông tin khoản thưởng kếch xù, nhưng mục đích chính của họ cũng chỉ là để khuếch trương. Ngược lại, có nhiều đơn vị vì lý do này kia chẳng thể lo nổi dù là chút ít cho người lao động thì lại bị dồn ép báo cáo, công khai kế hoạch thưởng. Vì thế, chuyện thưởng Tết năm nào cũng vậy, vẫn cứ là sự chạnh lòng của không ít người, kể cả người lao động và người sử dụng lao động.

Trước một "mùa" thưởng Tết mới, nhiều người lao động mong muốn chương trình cải cách tiền lương sẽ có những chính sách, bố trí nguồn hợp lý tạo quỹ khen thưởng vào dịp cuối năm để khích lệ động viên lao động, viên chức. Đồng thời cũng nên cân nhắc một quy chế về công bố thông tin về chuyện thưởng Tết. Chúng ta chắc đã nghe về việc năm nào cũng có hàng triệu giáo viên vùng khó khăn không được thưởng Tết, và nói như một số giáo viên trong số ấy thì họ không còn muốn năm nào cũng được "lên mặt báo" để rồi nhận lại ánh mắt thương cảm của xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vui, buồn thưởng Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.