(HNM) - Xét trên bình diện chung của Liên hoan phim,
"Thế trận" không nhiều bất ngờ
"Những người viết huyền thoại" giành Bông sen Vàng cho phim truyện điện ảnh hay nhất cùng nhiều giải thưởng quan trọng khác như: Giải khán giả bình chọn; nam, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất… Kết quả ấy không quá bất ngờ, bởi lẽ mặt bằng phim dự thi không đồng đều, thậm chí có khoảng cách khá xa. Những phim có chất lượng tốt khác như "Thiên mệnh anh hùng", "Scandal - Bí mật thảm đỏ", "Lạc lối" hoặc những tác phẩm trong trẻo của một số đạo diễn trẻ như "Và anh sẽ trở lại", "Dành cho tháng sáu" thực sự không nhiều.
Một cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”. |
Ngay trước ngày khai mạc liên hoan, NSND - đạo diễn Đào Bá Sơn, Chủ tịch Ban giám khảo Phim truyện nhựa đã khẳng định: Chỉ 1/3 số phim dự liên hoan có chất lượng tốt. Quan điểm của Ban giám khảo là không phân biệt phim tư nhân hay nhà nước sản xuất, cố gắng gạt bỏ những định kiến về các phim trước đó. Nhưng, sự thực là bên cạnh những phim tỏ rõ sự chỉn chu, cẩn trọng cả về nội dung và nghệ thuật thì vẫn có những phim được làm rất cẩu thả, thậm chí khiến truyền thông phải gọi là "thảm họa".
Khoảng cách khá xa về chất lượng giữa các phim trong một sân chơi điện ảnh mang tầm quốc gia phản ánh điều gì? Trước hết, điều đó cho thấy sự nghèo nàn về phim truyện điện ảnh, nhất là phim có chất lượng (cho dù số lượng 23 phim dự thi năm nay là khá cao so với các kỳ trước). Việc lựa chọn phim hay, loại bỏ phim dở cho một sân chơi nghệ thuật nhằm tạo cảm hứng sáng tạo thực sự cho các nghệ sĩ điện ảnh cũng như khán giả vẫn chưa thực hiện được. Về điều này, đại diện Cục Điện ảnh chia sẻ: Có thể bắt đầu từ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, BTC sẽ tiến hành "lọc" phim như mong mỏi của những người làm nghề và vì "thương hiệu" của một liên hoan phim quốc gia.
Một thoáng băn khoăn
Phải nói, dù số phim tốt ít ỏi nhưng qua liên hoan này, dễ nhận ra "điểm cộng" của điện ảnh Việt. Đó là những góc quay đẹp, những khuôn hình xứng danh nghệ thuật thứ bảy xuất hiện khá ấn tượng trong nhiều bộ phim như "Thiên mệnh anh hùng", "Những người viết huyền thoại", "Và anh sẽ trở lại", "Mùa hè lạnh"… Quả đúng như một nhà quay phim từng nhận định, quay phim là lĩnh vực thể hiện sức hội nhập quốc tế hàng đầu so với các lĩnh vực khác của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, tiêu chí hấp dẫn cũng được chú trọng trong một số phim, cả ở dòng phim chiến tranh cách mạng (vốn dễ bị khô khan) và cả những phim có khuynh hướng giải trí, thương mại.
Tiếc là chỉ thế thôi thì chưa đủ cho một bộ phim hay. Trưởng ban Giám khảo phim truyện nhựa Đào Bá Sơn đã gọi đúng tên một trong những xu hướng đáng lo ngại của điện ảnh nước ta qua kỳ liên hoan này: Cái ác đã được khai thác một cách thái quá, lấn át cái đẹp, cái thiện trong phim. Đây không chỉ là nhận định chính xác, mà còn là nhận định có tính cốt lõi, liên quan đến diện mạo nền điện ảnh Việt Nam. Nói cách khác là tính dân tộc đã mờ đi, những phẩm chất "riêng có" của con người Việt Nam như nhân hậu, bao dung, kiên cường… đã không được khai thác rõ nét. Rộng ra, nói như một nhà phát hành phim người Pháp gốc Việt thì một khi yếu tố nhân văn, yếu tố văn hóa vắng bóng thì phim chỉ là một sản phẩm chứ không thể là một tác phẩm nghệ thuật.
Người viết thấy hoang mang khi trong các buổi chiếu phim dự Liên hoan chứng kiến cảnh những em bé lớp 7 rộ lên cười sau những cảnh phim mà ngay cả khán giả lớn tuổi cũng muốn quay mặt đi. Các em có tiếp nhận được những bài học nhân văn hay sẽ chỉ thêm quen với hành động bạo lực? Điện ảnh có quyền khai thác cái ác, cái tận cùng phi nhân tính, nhưng tất cả phải để làm nền cho cái thiện, cái đẹp. Như "We need to talk about the Kevin" - một bộ phim của điện ảnh Mỹ - miêu tả cái ác nơi sâu thẳm tâm trí con người không phải bằng những cảnh bạo lực thô thiển, trực diện mà người xem vẫn phải rùng mình, tự thấy phải dẹp bỏ sự trỗi dậy của mầm phi nhân tính.
Thêm nữa, những bộ phim đề cập tới vấn đề này cũng còn phải tính đến yếu tố người xem. Có cái khó khi ta chưa có hệ thống phân loại khán giả chi tiết và phù hợp với bối cảnh mới của điện ảnh. Thế nên, với những phim không "dán nhãn" cấm trẻ dưới 16 tuổi, học sinh cứ vô tư vào xem cho dù nội dung không phù hợp mà chẳng thấy ai quan tâm cũng là điều đáng ngại.
23 bộ phim truyện điện ảnh được trình chiếu rõ ràng phản ánh cả sự buồn vui của nền điện ảnh nước ta trong vài năm gần đây. Không thể thờ ơ với những điều đổi thay, ở cả chiều tích cực và tiêu cực, ở cả chi tiết và toàn cảnh, nếu vẫn giữ mục tiêu phấn đấu xây dựng một nền điện ảnh như tiêu chí đặt ra: "Dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.