Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vừa mừng, vừa lo

Nguyễn Đức| 11/01/2011 08:06

(HNM)- Năm 2010, ngành xây dựng cơ bản (XDCB) giao thông đã gặt hái nhiều thành công với hàng loạt công trình quan trọng hoàn thành, đưa vào sử dụng trên khắp cả nước. Tốc độ giải ngân các dự án tốt góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, nhưng đằng sau niềm vui đó là những mối lo lớn, đặc biệt là về vốn, lương bổng cho công nhân…


Những con số kỷ lục


Cầu Vĩnh Tuy đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.  Ảnh: Nhật Nam


Sau vài năm lao đao với cơ chế, "bão giá", bước sang năm 2009, công tác giải ngân đầu tư XDCB đã tiến triển khả quan. Sang năm 2010, công tác này thực sự có bước nhảy vọt. Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, giải ngân đầu tư XDCB đạt mức kỷ lục. Đến tháng 10-2010 cơ bản đã hoàn thành kế hoạch cả năm. Về vốn ODA, toàn ngành giải ngân hơn 8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với kế hoạch. Vốn trái phiếu được giao khoảng 12,3 nghìn tỷ đồng, đến tháng 9-2010 đã thực hiện xong và cả năm sẽ thực hiện hơn 16 nghìn tỷ đồng. Hàng loạt dự án giao thông quan trọng đã hoàn thành, đưa vào khai thác, thúc đẩy phát triển KT-XH trên các vùng miền như: cầu Vĩnh Tuy, Đại lộ Thăng Long, đường Vành đai 3 Hà Nội, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, cầu Cần Thơ, Hàm Luông, Cảng Hàng không Cần Thơ... Bên cạnh đó, nhiều công trình khác cũng đã được khởi công xây dựng nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo tiền đề cho phát triển KT-XH. Đạt được kết quả trên là do những vướng mắc trong cơ chế, chính sách đã dần được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu phát huy tối đa năng lực, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Nguy cơ thiếu vốn và những hệ lụy

Giải ngân tốt, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH và không làm tăng thêm vốn đầu tư do trượt giá. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Với các doanh nghiệp (DN) XDCB giao thông, sau vài năm "sống dở, chết dở" do đua nhau bỏ giá thầu thấp để giành việc, rồi tiếp tới "bão giá"… nay nhìn chung đã có sự khởi sắc. Việc làm, đời sống của người lao động được bảo đảm. Tuy nhiên, niềm vui đó không dài, bởi nguy cơ thiếu vốn đầu tư cho XDCB trong thời gian tới đã được dự báo và ngày càng trở thành hiện thực.

Cách đây vài tháng, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ ứng bổ sung vốn cho các dự án, nhưng số vốn được ứng chưa đáp ứng nhu cầu. Không ít dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư nhưng chưa thể thực hiện do chưa tìm ra nguồn vốn. Cũng có dự án phải thi công chậm lại để chờ vốn. Đây thực sự là thách thức lớn khi nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông vẫn rất lớn. Dự kiến năm 2011, ngành GTVT cần đầu tư khoảng 50 nghìn tỷ đồng, nhưng để huy động đủ số vốn đó thật không dễ, đặc biệt là vốn trái phiếu. Bên cạnh đó, không thể không nói tới nhiều khoản vốn năm 2011 đã được ứng trước cho năm 2010. Bộ GTVT cho biết sẽ rà soát lại phân cấp đầu tư XDCB để khắc phục tình trạng địa phương tự ý chuẩn bị đầu tư dự án trong phạm vi quản lý của bộ, dẫn đến chồng chéo, dàn trải. Quan điểm của bộ là nắm công tác chuẩn bị đầu tư, sau đó tùy tình hình cụ thể sẽ phân cấp… tránh đầu tư dàn trải trong bối cảnh khó khăn về vốn dẫn đến tình trạng các dự án đều đói vốn, thi công cầm chừng.

Với các DN XDCB, thiếu vốn thực sự là một gánh nặng. Không có dự án đồng nghĩa với việc hàng vạn lao động trong lĩnh vực này sẽ gặp khó khăn. Với các dự án chưa triển khai thi công còn đỡ, với những công trình đã hoàn thành và đang thực hiện mà thiếu vốn quả thực là "ác mộng". Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, chỉ tính riêng các dự án sử dụng vốn trái phiếu, trong năm 2010, đang phải tạm nợ các DN khoảng 4.000 tỷ đồng. Đã vay tiền ngân hàng thực hiện dự án mà không được thanh toán kịp thời, với lãi suất cao như hiện nay, DN sẽ trở thành "con nợ", đời sống người lao động sẽ hết sức khó khăn. Điều đó cần được các bộ, ngành chức năng sớm có biện pháp tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vừa mừng, vừa lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.