(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, từ ngày 10-7-2019, thành phố Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Đến nay, sau 2 tháng triển khai, dù còn gặp không ít khó khăn nhưng việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Còn nhiều lúng túng
Trên địa bàn quận Long Biên hiện có 5.025 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Quận đã giao cho 66 cán bộ đảm nhận nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, trong đó cấp quận có 10 cán bộ và cấp phường có 56 cán bộ. Sau khoảng 2 tháng triển khai, toàn quận đã thanh tra 131 cơ sở thuộc cả 3 lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công thương, qua đó xử lý vi phạm hành chính 48 cơ sở với số tiền phạt hơn 90 triệu đồng.
Đánh giá về quá trình triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn quận, bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, nhờ có lực lượng thanh tra chuyên ngành của UBND các cấp, các trường hợp vi phạm đều bị xử phạt kịp thời. Qua đó, các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm có ý thức khắc phục nghiêm túc những tồn tại sau khi đoàn thanh tra yêu cầu.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, quận cũng gặp không ít khó khăn. Như, quy trình, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra phức tạp, nhiều biểu mẫu phải thực hiện nên khó áp dụng với cơ sở nhỏ thuộc cấp phường quản lý. Thêm vào đó, nhân sự đoàn thanh tra chuyên ngành tại các phường khó đáp ứng tiêu chí “am hiểu pháp luật, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm”.
Tương tự, huyện Mê Linh đã giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho 102 cán bộ cấp huyện và cấp xã, thị trấn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Khang, Trưởng phòng Y tế huyện cho rằng, số lượng công chức, viên chức đủ điều kiện được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm hiện phải kiêm nhiệm nhiều công việc, vì vậy, thường xuyên có sự thay đổi vị trí công tác.
Thêm vào đó, đây là nhiệm vụ mới được triển khai cùng với quy trình thanh tra phức tạp nên bước đầu thực hiện gặp nhiều khó khăn. Trong khi trên địa bàn chủ yếu cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ, không có địa điểm cố định khiến việc thanh tra, xử lý không tránh khỏi lúng túng…
Còn trên địa bàn quận Tây Hồ hiện có 1.615 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Từ ngày 10-7 đã thành lập 10 đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm với 49 thanh tra viên, trong đó có 2 đoàn tuyến quận và 8 đoàn tuyến phường.
Theo ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, quá trình triển khai nhiệm vụ cho thấy, chất lượng cán bộ thanh tra chưa đồng đều, bởi chủ yếu là công chức, viên chức kiêm nhiệm. Mặt khác, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thường xuyên biến động, vì vậy có nhiều cơ sở không còn hoạt động tại thời điểm thanh tra, thậm chí, có đơn vị bị kiểm tra còn tỏ thái độ chống đối, như: Đóng cửa, chủ cơ sở vắng mặt…
“Sở Y tế Hà Nội cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo chứng chỉ thanh tra, xét nghiệm về an toàn thực phẩm và các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác thanh tra”, ông Phạm Xuân Tài đề nghị.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Hiện tại, Thanh tra Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đang tiến hành giám sát và kiểm tra hoạt động thanh tra, kiểm tra của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp cơ sở để đánh giá chất lượng và có sự điều chỉnh, đồng thời kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các địa phương.
Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cho thấy, ngoài việc xử phạt các đơn vị, hộ kinh doanh thực phẩm vi phạm, thông qua việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành, các đoàn thanh tra đã kết hợp công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Từ đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Đặc biệt, nhận thức, kiến thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người dân trên địa bàn quận được nâng lên một cách rõ nét.
Điều đó cho thấy, việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở tuyến quận, huyện, xã, phường đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, huy động nguồn lực cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Ông Trần Văn Chung cho rằng: "Trong quá trình triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm bước đầu sẽ không tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta vừa làm, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tất cả vì mục tiêu kiểm soát tốt hơn nguồn gốc thực phẩm và quá trình lưu thông trên thị trường nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng".
Thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên ngành, chứng nhận tập huấn chuyên môn, kỹ thuật kiểm soát an toàn thực phẩm cho các đối tượng mới được giao thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thanh tra chuyên ngành.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của thành phố cũng duy trì đường dây liên lạc, tư vấn hỗ trợ nghiệp vụ cho các đoàn thanh tra chuyên ngành cấp cơ sở trong những tình huống cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.